Bố tôi bị tai biến khiến não bị teo. Ông vẫn tự ăn, đi lại được nhưng run rẩy, phải có người giúp. Gần đây việc tiểu tiện của ông không tự chủ, nhiều lần chưa kịp ra tới nhà vệ sinh ông đã tiểu ướt ra quần, hoặc ra chăn đệm.
Tôi rất giữ ý, không muốn để vợ phải phục vụ bố mình nên mọi việc liên quan tới chăm sóc bố tôi làm hết. Nhưng cô ấy vẫn tỏ ra khó chịu, luôn mặt nặng, mày nhẹ, tìm cớ gây sự, chửi bới. Thậm chí cô ấy còn bảo bố tôi là đồ vô tích sự, đi làm về, ăn cơm… cô ấy đều không chào hỏi.
Bố tôi giờ đã lẫn, không nhận thức được sự hỗn hào của con dâu, đó là điều khiến tôi càng thấy chua xót về việc vợ bất hiếu, bất nghĩa. Vợ chồng tôi liên tục cãi vã, cô ấy bảo: “ông ấy là bố anh chứ phải bố tôi đâu mà bắt tôi này nọ”. Tôi quá chán nản, không muốn sống với người vợ bất hiếu này nữa. Tôi không biết phải làm gì lúc này.
Nguyễn Đức Long (Hà Nội)
Ảnh minh họa, internet
Đức Long thân, hôn nhân đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ hai người, sự gắn bó không phải chỉ ở góc độ tình cảm mà là những cam kết trách nhiệm, trong đó có cả việc phụng dưỡng, báo hiếu đối với cha mẹ đôi bên.
Theo thư anh kể thì cách cư xử của vợ anh với bố chồng thực sự rất đáng trách. Tuy nhiên, anh cũng nên tìm hiểu nguồn cơn, xem do đâu vợ anh lại có những thái độ quá đáng đến như vậy. Bởi đôi khi, nguyên nhân lại nằm ở những “cơn sóng ngầm”, từ những ẩn ức, bức xúc gián tiếp.
Ví dụ, trong tình cảm vợ chồng, vấn đề kinh tế, tiền bạc, đặc biệt là trong cách anh đối xử với bố mẹ chị ấy… có điều gì ở anh khiến chị không hài lòng hay không? Anh không nên chỉ trích, ép chị ấy phải làm thế này thế nọ, mà hãy ngồi lại với vợ, chia sẻ những tâm tư để hai vợ chồng hiểu, thông cảm với nhau. Khi trong gia đình có người ốm nặng dễ khiến nảy sinh những xáo trộn, lục đục. Chúc vợ chồng anh sớm có sự hòa hợp!
Tri Giao