Sữa chua, váng sữa, phô mai thay thế sữa

Sữa chua, váng sữa, phô mai thay thế sữa có tốt không? Sữa là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe trẻ em, cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, đường, các vitamin và khoáng chất, tuy nhiên có những trẻ không thích uống sữa thì những chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa, pho mai…có thể thay thế cho sữa được không?

Sữa chua: Sữa chua hay da-ua (từ tiếng Pháp Yaourt) là chế phẩm từ sữa được sản xuất bởi vi khuẩn lên men. Mọi loại sữa có thể dùng làm sữa chua nhưng sữa bò được dùng nhiều nhất.

Sữa chua – chế phẩm từ sữa tốt cho sức khỏe.

Sữa lên men thành sữa chua do vi khuẩn lactic và hiện tượng này gọi là lên men lactic. Sữa chua có vị sánh, sệt do vi khuẩn lactic đã chuyển đường  trong sữa thành axit lactic từ đó làm cho độ pH trong sữa giảm thấp, gây kết tủa protein trong sữa, làm sữa từ lỏng trở thành sệt.

Giá trị dinh dưỡng của sữa chua phụ thuộc vào nguyên liệu để làm nên loại sữa chua  đó, nếu làm từ sữa tươi thì giá trị dinh dưỡng giống sữa tươi, làm từ sữa bột công thức thì giá trị dinh dưỡng giống sữa  bột công thức…nhưng sữa chua còn ưu việt hơn là chứa các vi khuẩn có lợi rất tốt cho hệ tiêu hóa nhất là những người bị rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn do dùng kháng sinh, những người bị táo bón, bị tiêu chảy kéo dài do bất dung nạp đường lactose trong sữa. Cho nên trong trường hợp không thích ăn sữa có thể tăng lượng sữa chua ăn hằng ngày lên đối với cả người lớn và trẻ nhỏ.

Váng sữa: Váng sữa là thực phẩm được làm từ kem sữa, cho lên men lactic, thực chất là thành phần lớp trên của yaourt. Vì vậy  váng sữa còn có tỷ lệ chất béo cao và giàu năng lượng. Tỷ lệ này xung quanh 10%– 40% tùy theo xuất xứ. Nếu váng sữa được sản xuất tại Nga có thành phần chất béo khoảng 10%-20%, đạm 3.5%, Carbonhydrat 4,3%, nhiều khoáng chất (Ca, Na, K..), vitamin A, E, B1, B2, C, PP…

Váng sữa sản xuất tại Mỹ và các nước châu Âu có thành phần chất béo thấp hơn chỉ từ 10%- 18%. Váng sữa có thành phần chất béo cao, cung cấp nhiều năng lượng nên sẽ tốt cho trẻ từ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng; trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng. Với những trẻ này, các bà mẹ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ, với lượng dùng hợp lý là 1- 2 hộp/ngày. Những trẻ không nên dùng: trẻ dưới sáu tháng tuổi, trẻ bị thừa cân – béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, trẻ dị ứng với sữa bò…

Phô mai : Là sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, được cô đặc nên có hàm lượng đạm, chất béo, đặc biệt hàm lượng canxi rất cao trong một thể tích nhỏ. Vì vậy, nếu trẻ ngại uống sữa, thích dùng phô mai thì các mẹ có thể cho bé dùng thay thế, khoảng 60g phô mai mỗi ngày sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng tương tự như uống 400 ml sữa.

Bạn có thể tham khảo thêm các chỉ số dinh dưỡng cụ thể dưới đây:

Giá trị dinh dưỡng 15 g phô mai 100 ml sữa
Năng lượng (Kcal) 57 74
Chất đạm (g) 3.3 3.9
Chất béo (g) 4.6 4.4
Canxi (mg) 114 120

Các  mẹ có thể cho bé sử dụng phô mai từ khi bé bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm (tức là 6 tháng tuổi) nhưng nên cho bé ăn từ từ từng ít một và thăm dò phản ứng của con, nếu thấy bé xuất hiện dấu hiệu lạ khi ăn phô mai, cha mẹ cần tạm ngưng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ. Các mẹ nên chọn loại phô mai dành cho bé dưới 1 tuổi, có hàm lượng chất béo không vượt quá 20%.

Có thể nói các chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa phô mai đều là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng  chất rất tốt cho sức khỏe.

Với trẻ em, những bé lười uống sữa, các mẹ có thể thay thế một phần các sản phẩm này, tuy nhiên cũng chỉ nên dùng với mức độ vừa phải để tránh tình trạng rối loạn  tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy…hoặc ăn nhiều quá dẫn đến thừa cân béo phì.

BS. Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng QG

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top