Sợ nước, sợ gió... người phụ nữ tử vong sau 3 tháng bị chó nhà cắn

Bệnh nhân sợ nước, sợ gió, khó nuốt, kích thích với âm thanh... đến viện khám được chẩn đoán mắc bệnh dại và sau đó bệnh nhân đã tử vong. Mùa nắng nóng, bệnh truyền nhiễm trong đó có dại dễ bùng phát lên mọi người cần chú ý.

Chết vì chủ quan chó nhà cắn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 38 tuổi ở Vĩnh Phúc đến viện trong tình trạng sợ nước, sợ gió.

Cách vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn. Bệnh nhân bị trầy xước vùng bàn và cánh tay bên Phải. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm phòng.. .5 ngày sau con chó đã cắn đứt xích và chạy sang nhà hàng xóm có biểu hiện hung dữ và bị người dân đánh chết.

Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động. Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị 1 ngày tình trạng không cải thiện và chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được làm xét nghiệm và có kết quả khẳng định bệnh Dại.

Sáng hôm sau, bệnh nhân có kích thích tăng lên, các bác sĩ đã giải thích tình trạng bệnh nhân nặng, gia đình xin về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

100% tử vong khi lên cơn dại: Xử lý và tiêm vắc xin để tránh

Để phòng tránh bệnh dại, TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ khuyến cáo: Khi người dân bị chó cắn việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng.

Thứ hai: Khi bị chó cắn (nếu chó của nhà nuôi) nên nhốt con chó lại để theo dõi vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn nên chủ động đi tiêm phòng ngay.

TS Hùng nhấn mạnh: Mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế người dân không nên chủ quan, những nhà nuôi chó nên đi tiêm phòng đầy đủ cho chó. Nếu cho chó đi ra ngoài nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.

Viện vệ sinh dịch Tễ TƯ cho biết, bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả nhưng ước tính hàng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.

Đến nay chưa có loại thuốc đặc hiệu nào chữa được bệnh dại lên cơn. Bệnh rất nguy hiểm với sức khỏe con người, nếu bị chó dại, mèo cắn truyền bệnh sang người mà không được xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin theo đúng phác đồ thì tỷ lệ tử vong là 100%.

Tại Việt Nam, bệnh dại chủ yếu do bị chó cắn, chiếm 96-97%, sau đó là mèo: 3- 4%. Virus dại Rhabdovirus lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ rất chậm, khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Chỉ khi vào tới não bộ, người bị nhiễm bệnh mới có những hành vi và biểu hiện lâm sàng rõ ràng.

Do di chuyển chậm, thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài trên 1 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, mức độ nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Vết thương nặng và càng gần thần kinh trung ương như ở đầu, cổ, ngón tay... thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Khi người bệnh sợ gió, sợ nước là đã ở giai đoạn muộn, không còn cách gì cứu chữa. Bản thân mỗi bác sĩ khi chứng kiến những ca lên cơn dại đều rất ám ảnh vì thấy chết mà không thể cứu, bệnh nhân thường tỉnh táo đến lúc chết do co thắt thanh quản gây suy hô hấp.

Cách duy nhất để chữa khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn là nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn...

Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả.

Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc xin.

Nếu đúng bị chó dại cắn, người bệnh không được tiêm vắc xin dại sẽ bị bệnh dại. Bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn...và tử vong.

Vì vậy, khi bị chó cắn được tiêm vắc xin ngay lập tức. Việc tiêm vắc xin có thể loại trừ được bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.

Theo Đời sống
Hệ lụy của việc tự tiêm thuốc ở nhà

Hệ lụy của việc tự tiêm thuốc ở nhà

Tuyệt đối không tự tiêm thuốc dù là thuốc bổ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, khi tiêm vào tĩnh mạch phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện bởi khi tiêm vào tĩnh mạch dễ gây phản ứng dẫn tới tử vong.
back to top