Ngày 23/12, Tọa đàm “Giáo dục chất lượng cao – cánh cửa thành công” đã diễn ra tại Báo KH&ĐS. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều học sinh, sinh viên được đầu tư và chi phí rất lớn khi đi du học, nhưng hoàn toàn có thể gặp rủi ro ngoài ý muốn khi phải nghỉ học, hay học trực tuyến ở trong nước. Trong khi đó, chính sách tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài của các nước lớn luôn bất trắc, thay đổi.
Tọa đàm "Giáo dục chất lượng cao - Cánh cửa thành công" do Báo KH&ĐS tổ chức. |
Câu hỏi đặt ra là, dịch bệnh xảy ra đã đặt những áp lực, vấn đề phải thay đổi như thế nào lên hệ thống giáo dục các cấp? Đặc biệt là Việt Nam có thể xây dựng được hệ thống giáo dục chất lượng cao ở trong nước hay không? Từ đó, có thể tạo sự yên tâm, tối ưu hóa chi phí học tập, đào tạo cho học sinh, sinh viên trong nước, mở đường thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài tới Việt Nam học tập.
Tọa đàm “Giáo dục chất lượng cao - Cánh cửa thành công” với ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học giáo dục, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên để nhằm bàn thảo về vấn đề thời sự này.
Tọa đàm có sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội; Ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ Công ty 2NF Software; cùng các nhà giáo dục, các phụ huynh, sinh viên đến từ các trường đại học.
Chất lượng cao không phải chỉ là phòng học có điều hòa
Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đã làm rõ câu hỏi băn khoăn, vậy giáo dục “chất lượng cao” là gì? Có những tiêu chí cụ thể nào đối với giáo dục chất lượng cao? Những chương trình chất lượng cao đã tiệm cận với quốc tế và học sinh có thể “du học tại chỗ” hay không?
Thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Trần Hải. |
Thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, những năm gần đây, ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nghe rất nhiều về các mô hình chất lượng cao (CLC). Các trường tự gắn biển là trường chất lượng cao, lớp chất lượng cao. Đến mức người ta không thể định giá được đâu là CLC thật và đâu là CLC giả.
Tuy nhiên, theo đúng quyết định số 20 của UBND TP Hà Nội về tiêu chí trường CLC đã quy định rõ, Trường CLC trước tiên phải đạt được 5 tiêu chí.
Tiêu chí đầu tiên là về cơ sở vật chất, đảm bảo về yêu cầu các phương tiện hỗ trợ dạy học, các điều kiện dành cho học sinh. Tiêu chí thứ 2 là đội ngũ giáo viên. Tiêu chí thứ 3 là về chương trình giảng dạy, theo đó, ngoài chương trình của Bộ GD&ĐT thì phải có chương trình bổ sung tăng cường, trong đó có chương trình nâng cao môn Toán, Văn, bổ sung tăng cường ngoại ngữ, các kỹ năng mềm. Tiêu chí thứ 4 là phương pháp giảng dạy. Và tiêu chí thứ 5 là các dịch vụ chất lượng cao trong nhà trường.
“Như vậy, để đạt được trường CLC thì phải đáp ứng được các tiêu chí ngặt nghèo. Chứ không phải như nhiều người nghĩ rằng, học CLC là chỉ cần được ngồi trong phòng học có điều hòa”, ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, vì có các chương trình bổ sung tăng cường, cho nên, chương trình của trường CLC có thể tương thích với chương trình quốc tế. Thực tế, đã có những học sinh học hết lớp 6 ở Việt Nam, sau đó đi du học ở nước ngoài, đến lớp 11 lại trở về Việt Nam, học tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chương trình hoàn toàn phù hợp.
|
Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Trần Hải. |
Ngược lại, cũng có học sinh ở Nguyễn Bỉnh Khiêm ra nước ngoài học tập hòa nhập rất nhanh. Bởi vì, ngoài kiến thức, các trường CLC đều bổ sung cho các em kỹ năng mềm, tiếng Anh… để các em có thể tự tin khi bước ra hội nhập thế giới. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều em học sinh không thể đi du học mà học tại một số các trường đại học trong nước như Đại học Anh Quốc Việt Nam, Đại học RMIT, Đại học FPT có kết quả rất tốt.
Như vậy để thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được trường CLC đạt chuẩn quốc tế và các em có thể lựa chọn, nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Vì sao các thế hệ học sinh lại say mê truyện Toto Chan - cô bé ngồi bên cửa sổ? Theo ông Nam, vì đó là ngôi trường mơ ước. Ở ngôi trường đó, từ thầy hiệu trưởng cũng biết lắng nghe chia sẻ, tâm tư của học sinh. Nếu một ngôi trường được xây dựng để học sinh luôn luôn yêu thích, hào hứng, mong muốn được đến trường thì đó mới là một ngôi trường giúp các em phát triển tối đa năng lực của mình và thành công trong cuộc sống.
Và trường CLC phải đạt được mục tiêu đó, là trường học hạnh phúc, chứ không phải chỉ là ở việc học giỏi Toán, giỏi Văn... Và đây là tiêu chí được Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm bổ sung thêm vào 5 tiêu chí “cứng”, làm nên bản sắc của nhà trường.
Sinh viên có thể “du học tại chỗ”?
Đứng từ góc độ đào tạo đại học, PGS.TS Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trong những năm gần đây, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu này, ngoài chương trình Cử nhân khoa học tài năng đã có tiếng vang lớn, Trường còn tiếp tục xây dựng các chương trình CLC theo đúng thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ở một số ngành: Công nghệ sinh học, Hóa dược, công nghệ kỹ thuật hóa học, Khoa học môi trường, Máy tính và khoa học thông tin.
PGS.TS Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hải. |
Khi học những chương trình CLC này, sinh viên sẽ phải đóng học phí cao hơn chương trình chuẩn. Ví dụ, chương trình chuẩn học phí khoảng 1 triệu/tháng, thì học phí đối với sinh viên chất lượng cao học phí vào khoảng 3,5 triệu/tháng với các ngành học có thực hành. Còn đối với các chương trình không có thực hành khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo cũng tương xứng với mức học phí phải bỏ ra. Điều này xuất phát từ những tiêu chí rất nghiêm ngặt của chương trình CLC thể hiện ngay trong Đề án tuyển sinh của nhà trường, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình giảng dạy…
Ví dụ, giảng viên dạy các chương trình CLC phải từ Tiến sĩ trở lên, hoặc là GS, PGS. Chương trình học cũng được xây dựng đảm bảo chất lượng tương đương ít nhất từ 70% so với chuẩn quốc tế trong top trường nhất định.
Đặc biệt, nhà trường không chạy theo số lượng, mà chú ý tới chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường.
“Vì thế, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt, việc học tập các chương trình chất lượng cao trong nước là một lựa chọn mà các em hoàn toàn có thể nghĩ tới”, ông Thành chia sẻ.
Doanh nghiệp tìm cách giữ chân sinh viên tốt nghiệp từ chương trình CLC
Bà Lương Thị Tâm Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Ảnh: Trần Hải. |
Tại buổi tọa đàm, bà Lương Thị Tâm Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho rằng, không cần biết tiêu chí của các chương trình CLC là gì và đầu ra chuẩn ra sao, nhưng phải đáp ứng được yêu cầu của những nhà tuyển dụng. Chỉ khi đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, thì đó mới là chương trình đạt chất lượng. Ví dụ, với Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, tuy chưa phải là trường CLC, tuy nhiên, qua phản hồi từ các cơ sở y tế, các bệnh viện, thậm chí phòng khám, chất lượng đầu ra sinh viên của Trường đã đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vậy, liệu các chương trình CLC của Việt Nam đã đáp ứng được cơn “khát” nhân lực CLC của nhà tuyển dụng chưa?
Ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ Công ty 2NF Software. Ảnh: Trần Hải. |
Trả lời vấn đề liên quan đến câu hỏi này, ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ Công ty 2NF Software chia sẻ, ông cũng là một cựu sinh viên của Khoa Toán – Cơ – Tin học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Công ty 2NF chuyên phát triển phần mềm cho thị trường nước ngoài. Nhiều năm ở vai trò là người trực tiếp tuyển dụng sinh viên đến từ các trường đại học, ông Tuấn đánh giá, chất lượng sinh viên đến từ chương trình chất lượng cao của các trường đại học rất tốt. Ví dụ, Công ty đã từng nhận một sinh viên rất xuất sắc của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, khi vừa về Công ty, đã được giao làm phụ trách nhóm.
Lúc này, bài toán của các doanh nghiệp là làm sao để giữ chân được những nhân viên như vậy. Đặc biệt, đối với ngành CNTT, nhiều ngành khác không xin được việc, nhưng ngành CNTT lại tuyển dụng cực kỳ khó khăn. Có những vị trí cả tháng cũng chưa tuyển dụng được. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp luôn rất cần nguồn nhân lực CLC.
“Từng trải nghiệm qua nhiều vị trí ở các công ty khác nhau, và hiện tại cũng là ngành trực tiếp tiếp xúc với người nước ngoài, tôi thấy, sinh viên đến từ các chương trình CLC doanh nghiệp rất hài lòng. Những kỹ sư của Việt Nam về chất lượng chuyên môn gần tương đương với các kỹ sư người nước ngoài đến từ các nước như Mỹ, Nhật. Như vậy, với chương trình CLC, các trường hoàn toàn có thể tạo ra được một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Thậm chí, các doanh nghiệp tranh nhau, giành nhau, bằng cách đưa ra rất nhiều chế độ tốt để giữ chân những người giỏi như vậy”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Đặng Vương Hạnh, Tổng Biên tập Báo KH&ĐS. Ảnh: Trần Hải. |
Ông Đặng Vương Hạnh, Tổng Biên tập Báo KH&ĐS chia sẻ, thực tế hiện nay, nhiều trường đại học top đầu, sinh viên chưa ra trường thì các doanh nghiệp đã săn đón, thậm chí tranh giành. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài, học phí rất cao, nhưng về nước lại chưa chắc đã xin được công việc tốt. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên không thể đi du học được. Vậy, các em có thể học những chương trình chất lượng cao ở trong nước hay không? Việc tổ chức Tọa đàm này cũng với mong muốn có thể tư vấn cho các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên có những lựa chọn tốt.
Tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia chia sẻ với các sinh viên dưới góc độ là một phụ huynh có hai con đi học nước ngoài. Theo bà Dương, khi đi du học, các em cũng “được” rất nhiều, sẽ được trải nghiệm một nền văn hóa mới mẻ, được hưởng một nền giáo dục rất tốt, có sự tự lập. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc, bởi thực tế, có những học sinh đi học từ cấp 3 lên tới đại học, học tới 8 năm mà khi về vẫn không có bằng. Cho nên, các em cũng nên có nhưng suy nghĩ, tự quyết định con đường đi của mình.