Săn “thần khuyển” trên Cao Nguyên Đá (Kỳ cuối): Thắt đuôi, tiêm thuốc phát dục…

KHĐS – Nhiều chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra đối với những người chưa có kinh nghiệm chơi Mông cộc. Một trong số đó thường là mua phải cộc bị thắt đuôi, cộc thiếu răng, cộc bị cắt huyền đề…

Chú chó cộc đỏ được cột trước cửa của một gia đình tại Hà Giang.

Mánh khóe của lái chó

Chị Hoàng Thị Lan, một người dân sinh sống ở thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang tiết lộ: Một trong những cách phân biệt Mộc cộc thật và Mông cộc giả đó là dựa vào cái đuôi cộc của chúng. Nhưng nếu chó bị thắt đuôi từ nhỏ thì rất khó phân biệt đối với dân dưới xuôi hoặc người mới chơi chó. Mánh khóe đó là: “Người nuôi sẽ dùng một sợi dây cước thắt đuôi con chó dài đuôi thông thường từ lúc nhỏ, khi chỉ mới vài ngày tuổi. Và chỉ sau thời gian ngắn bị thắt, phần đuôi dài của con chó sẽ tự rụng, để lại một ngẩu cụt ngủn. Như thế, khi lớn lên con chó này sẽ hệt như những con Mông cộc khác. Để phân biệt trò này, người có kinh nghiệm sẽ phải sờ đuôi chó. Nếu là chó bị thắt đuôi thì ngón tay sẽ cảm nhận được khấu đuôi có đốt xương cứng và chỗ bị thắt cho rụng đuôi sẽ không bao giờ mọc được lông. Còn nếu là Mông cộc “xịn” thì khấu đuôi mềm vì có sụn và lông mọc nhiều”.

Theo anh Hoàng Nam, một dân chơi Mông cộc nổi tiếng trên mạng xã hội facebook với nickname “Báo Đỏ” thì một chiêu nữa mà dân nuôi và lái chó thường sử dụng để lừa người mới chơi Mông cộc. Thông thường loài cộc chỉ 3 tháng, hoặc 3 tháng rưỡi là sẽ bước vào thời kỳ động đực sinh sản, hay còn gọi là salo. Nhưng để mau bán được chó, lái và người nuôi sẽ tiêm cho con cộc một liều thuốc phát dục.Và sau khi tiêm mũi này, chỉ khoảng 2 tháng, hoặc không đến 2 tháng là con cộc sẽ có những biểu hiện lấy đực để sinh sản. “Rất nhiều người mới chơi cộc, khi bỏ tiền mua chó salo đều có chung suy nghĩ, sau khi lấy đực, con mẹ sẽ đẻ được đàn con. Khi đó nếu thích thì mình giữ lại nuôi.Còn không, đem bán đàn chó mới đẻ thì cũng có lãi so với số tiền bỏ ra mua chó mẹ. Nhưng trên thực tế, chó bị tiêm thuốc phát dục, tỉ lệ đậu thai chỉ đạt từ 25 – 30 %”. Trường hợp tiêm thuốc nhiều lần, con cộc kiểu gì cũng bị rối loạn nội tiết, về lâu dài sẽ bị hỏng chó, khó mà sinh sản tiếp được…”.

Trước những mánh khóe của một số lái chó lừa đảo, giới chơi Mông cộc chân chính đưa ra lời khuyên đối với người mới hoặc còn ít hiểu biết về loài chó cao nguyên: Đủ răng là yếu tố đầu tiên đánh giá con cộc không bị lỗi và có đủ điều kiện được cấp giấy do Hiệp hội những người nuôi chó giống thuần chủng Việt Nam cấp (thiếu răng sẽ không được cấp). Theo đó một con cộc chuẩn phải có đủ 42 cái răng (hàm trên 20 răng, hàm dưới 22 răng). Do đó, người chơi phải đặc biệt chú ý kiểm tra răng khi chọn cộc. Ngoài ra những con cộc đầu bé, mõm nhọn và dài như ống điếu thì không nên mua. Bởi đây là những con chó tướng xấu, nhát, khó lòng trông được nhà, bảo vệ chủ.

“Đầu tiên phải chọn những con có khung gọng, đầu to, tai nhỏ ke vào giữa như hình tam giác đều, ánh mắt lanh lẹ, hai chân trước đứng thẳng, các móng chân trước cũng phải chụm vào với nhau như hình quả quýt… Ngoài ra, những con cộc có một hoặc hai râu là những con chó khôn và dữ. Còn khi đi chọn chó, hãy cầm lấy một vật gì đó rồi ném về phía chúng. Nếu con cộc nào mà lừ lừ tiến tới để quan sát, rồi lấy mũi đánh hơi, thì chắc chắn đó là con chó dữ, bảo vệ chủ rất tốt. Còn với những chú chó thấy vật lạ mà nhảy giật lùi, sủa ầm ĩ, thì bị đánh giá là chó nhát, không nên mua”.

Một dân chơi “cộc lửa” bên chú “thần khuyển” quý hiếm.

Một lái chó tại huyện Mèo Vạc giới thiệu về loài Mông cộc trên Cao Nguyên Đá.

Đưa cộc xấu về bản

Sau những ngày lang thang qua những ngả đường quanh co đèo dốc trên vùng cao nguyên đá. Qua một số người giới thiệu, chúng tôi làm quen được một số thương lái chuyên nuôi và săn lùng Mông cộc. Theo lời các lái này, từ lâu, những chú cộc tinh anh trên cao nguyên đã về xuôi theo những chuyến xe. Các lái cộc trên vùng cao được ví như “công an hộ tịch”, gia đình nào có cộc đẹp, cộc đẻ là họ nắm rõ trong lòng bàn tay.Vậy nên mới có chuyện, bốn, năm lái chạm mặt nhau tại một gia đình trong bản. Khi đó chỉ có lái nào trả giá cao mới mua được con cộc.

Anh Trần Thanh Hùng, một chủ trại chó Mông cộc tại TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) dẫn chúng tôi đến trại chăn nuôi của gia đình rộng nhiều nghìn mét vuông. Trại chó của gia đình anh lúc nào cũng có khoảng hơn hai chục chú Mông cộc, Trong số này có 5 con là cộc lửa đắt tiền.Theo lời anh Hùng, anh có sở thích nuôi chó từ rất lâu. Nhưng để có được đàn cộc đẹp như hiện nay, anh phải lặn lội nhiều năm trời đến những bản xa xôi khắp Hà Giang, cho đến Cao Bằng, Lào Cai… Hễ nghe nói chỗ nào có chó Mông cộc là anh tìm đến.

Cách đây vài năm, anh Hùng có sưu tầm được chú chó Mông cộc đỏ, giống đực rất dữ dằn, mạnh mẽ. Sau đó, anh tiếp tục săn lùng được vài chú cộc đỏ cái đem về phối giống.

Anh Hùng cho hay: Không phải chú Mông cộc đỏ nào đem phối giống cũng cho ra được đàn con là cộc đỏ. Có khi vài đàn sinh ra may mắn thì được 1 – 2 con cộc đỏ, còn lại là nó ra giống chó cộc nhưng màu đen hoặc vện…

Tiện lời, anh Hùng tiết lộ một trong số các mánh khóe mà dân lái chó thường dùng để lừa gạt người mua: Một số tay chơi chó sau khi mua phải những chú cộc lỗi, liền đem con chó ấy quay ngược lên vùng cao nguyên đá Hà Giang, rồi nhờ bà con dân tộc H’Mông xích chó trước cửa nhà, hoặc thả trên nương ngô, hay dưới chân núi đá lởm chởm…

Cùng lúc này, những lái chó không ngừng tung ảnh lên mạng xã hội khoe khoang:“… vừa vào bản săn được con Mông cộc đẹp, chất lừ, đang nuôi tại nhà dân, ai ưng thì nhận đặt tiền…”.Và đã có rất nhiều trường hợp người chơi cộc còn non kinh nghiệm, liền vội vàng xuống tiền nhờ lái chó bắt giùm, gửi xe khách về xuôi.. Vẫn theo lời anh Hùng, với những người nuôi Mông cộc lâu năm như anh thì trò ma quái này không thể qua mắt. Nhưng với không ít người mới tập tành nuôi Mông cộc thì thường rất hay bị lừa kiểu này.

Người dân dắt chó cộc xuống chợ bán.

Đàn “cộc lửa” của anh Trần Thanh Hùng tại Bắc Ninh.

Anh Bá Văn một lái chó có tiếng tại Hà Nội chia sẻ: “Chó bấm đuôi nếu kiểm tra kỹ thì sẽ thấy vết sẹo. Vết sẹo thì không có chân lông, không mọc được lông. Nếu phẫu thuật khéo, đường chỉ khâu theo chiều dọc thì cũng khó nhận ra. Trường hợp tinh mắt và chơi cộc lâu, có thể vẫn nhận ra được… Người mua chó hãy dùng mắt quan sát thật kỹ rồi hãy quyết định bỏ tiền”.

Hà Văn

Theo Đời sống
back to top