Về giá trị dinh dưỡng trong 100g rau ngót cung cấp năng lượng 35kcal; 5,3g protein; 3,4g glucid; 2,5g celluloza; canxi 169mg; sắt 2,7mg; magiê 123mg; mangan 2.400mg; photpho 65 mg; kali 457mg; natri 25mg; kẽm 0,94mg; đồng 190µg; vitamin C 185mg và vitamin A 6.650µg. Rau ngót có nhiều protein, các vi chất dinh dưỡng với hàm lượng rất cao như canxi, sắt, vitamin A, vitamin C và chất xơ.
Ngay từ khi trẻ mới sinh ra, nhiều cháu đã được làm quen với rau ngót khi bị tưa lưỡi. Trẻ tưa lưỡi chỉ cần lấy một nhúm rau ngót tươi rửa sạch, giã nhỏ chắt lấy nước, dùng gạc mềm, sạch thấm vào nước lá rau ngót đánh trên lưỡi phần trắng lợi, vòm miệng của trẻ. Trẻ lớn hơn một chút mắc bệnh đái dầm lấy rau ngót tươi giã nát, cho một ít nước đun sôi để nguội vào rau ngót đã giã, khuấy đều cho rau lắng xuống và gạn lấy nước cho trẻ uống để trị bệnh. Nước rau ngót sống cũng kích thích ăn uống với trẻ chán ăn. Rau ngót chứa nhiều vitamin và chất khoáng, nhiều đạm, hạn chế rối loạn chuyển hóa canxi, là một trong những nguyên nhân chính gây loãng xương và sỏi thận, vì thế người bị sỏi thận có thể uống nước ép rau ngót, hoặc sử dụng rau ngót trong những bữa ăn hàng ngày.
Rau ngót giàu chất xơ nên giúp hỗ trợ giảm táo bón, trị bệnh đái dầm, mồ hôi trộm ở trẻ. Trẻ lớn đái dầm có thể luộc rau ngót cho ăn cả rau lẫn nước. Nếu trẻ vừa đái dầm, vừa còi cọc, chán ăn, có thể chế rau ngót theo cách, lấy thịt ếch, gạo, đậu xanh, rau ngót, dầu ăn, nước, gia vị… để chế biến món ăn. Đem rau ngót rửa sạch, xay nhuyễn rồi cho ra bát con. Ếch lột da, rửa sạch, chặt khúc nhỏ (có thể lọc riêng phần thịt ở đùi để băm nhỏ), tiếp theo, lấy gạo và đậu xanh vo sạch rồi cho vào nồi ninh nhừ thành cháo. Cháo chín thì cho rau ngót và thịt ếch vào nồi đun chín thì tắt bếp. Sử dụng cháo ếch rau ngót liên tục mỗi đợt 3 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Rau ngót vừa có giá trị về dinh dưỡng, vừa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và chữa một số bệnh. Vì thế, rau ngót là một loại thực phẩm quý và là một vị thuốc hiệu nghiệm. Vào mùa này rau ngót vừa tươi, vừa ngon nên có thể tranh thủ chế biến thành các món ăn cho gia đình.
Lương y Xuân Hoàng (Chùa Bộc, Hà Nội)