Rau ngót là loại rau dễ ăn, lành, người già trẻ nhỏ đều có thể dùng được. Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g rau ngót cung cấp 35kcal, 5,3g protein,3,4g glucid, 2,5g celluloza, canxi 169mg, sắt 2,7mg, magiê 123mg, mangan 2.400mg, photpho 65 mg; kali 457mg, natri 25mg, kẽm 0,94mg, đồng 190µg, vitamin C 185mg và vitamin A 6.650µg.
Ở nhiều địa phương, rau ngót được gọi với nhiều tên như bồ ngót, bù ngót. Rau ngót được tuốt lấy lá nấu canh, dùng tươi với lượng đạm thực vật cao nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Rau ngót rất thích hợp với người huyết áp cao, trẻ đang tuổi lớn mắc bệnh thừa cân cân phải giảm. Vào mùa hè ăn rau ngót rất phù hợp vì đây là loại rau có tính mát, vị ngọt, giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.
Trong những ngày trời nóng, để thanh nhiệt, trị ho do phế nhiệt, có thể lấy rau ngót nấu canh hoặc ép lấy nước cho trẻ uống. Với hàm lượng chất xơ cao, rau ngót luôn được xem là món ăn không thể thiếu cho những người mắc táo bón. Chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, tốt cho đường ruột. Rau ngót là loại rau ít calo, ít glucid và lipid nên rất tốt cho những người thừa cân, béo phì. Để phòng ngừa bệnh cao huyết áp, trẻ trưởng thành và người lớn nên được khuyến khích ăn rau ngót vì nó có công dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, ngăn chặn tình trạng nghẽn mạch, tắc mạch.
Rau ngót tốt nhưng nên ăn lượng vừa phải, chia làm vài lần ăn trong tuần bởi trong quá trình tiêu hóa, rau ngót sẽ sản sinh ra chất glucocorticoid, nếu chất này được sản sinh quá nhiều sẽ cản trở quá trình hấp thụ photpho và canxi trong cơ thể.
Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội)