Rác cũng là tài nguyên

Rác cũng là tài nguyên, nhưng có thể là thảm họa nếu ta không quản lý được. Thực trạng đáng lo ngại của môi trường Việt Nam hiện nay cho thấy rất nhiều vấn đề về quản lý chúng ta làm chưa chặt. KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Kinh tế môi trường.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến.

Giải pháp thì có nhưng còn nằm trên giấy

Nhiều người lo ngại về khả năng bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới?

Lo thì ai cũng lo và thực tế việc này đã xảy ra nhiều năm nay rồi. Loại rác mà chúng tôi rất muốn ngăn chặn đầu tiên là nhập tàu cũ về phá dỡ thì đến năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường lại nới lỏng, cho nhập, tất nhiên là có kèm theo những điều kiện. Nhưng đây là loại rác rất nguy hiểm.

Những bãi xử lý tàu cũ để lấy nguyên liệu sản xuất thép đều trở thành những vùng đất chết. Bởi chất thải, dầu mỡ két lại của một con tàu đã hoạt động sau ít nhất 40-50 năm, rất nhiều chất độc hại, nếu là tàu chở nguyên liệu hạt nhân, quặng chứa nguyên tố hạt nhân thì càng nguy hiểm. Nếu không quản lý được thì chắc chắn ta sẽ bị lợi dụng đưa rác thải về đây.

Chúng ta đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Giải pháp thì lúc nào cũng có. Đầu tiên là các văn bản pháp luật, cao nhất là luật Bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993 có điều khoản rất chặt chẽ về việc cấm nhập khẩu rác. Năm 2005 ta có luật Bảo vệ môi trường lần 2 gồm 136 điều.

Đến năm 2014 có luật Bảo vệ môi trường thứ ba. Rồi dưới luật là các nghị định, thông tư liên tịch… Như vậy là bước đầu tiên xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ta đã làm rất chặt rồi.

Nhưng lại không hiệu quả bởi lẽ các điều khoản tuy rất chặt chẽ nhưng còn nằm trên giấy, thực tế chưa được triển khai để đi vào cuộc sống.

Vậy nên rác vẫn được nhập về?

Dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, các công ty, tổ chức lấy danh nghĩa nhập một loại hàng hóa gì đó rồi xin cấp phép, nhưng thực chất trong đó là rác thải. Các nước họ phải bỏ tiền ra để xử lý, vậy mà ta lại “ôm” về đây.

Rất nhiều năm chúng ta đã phải xử lý những container rác bị giữ lại ở các cảng rồi. Lúc thuyết minh để được phép nhập thì hăng hái lắm, điều kiện kho bãi lưu giữ, công nghệ xử lý đều có cả, nhưng thực tế lại không xử lý được?

Chẳng nói đâu xa, Formosa chưa đi vào hoạt động mà đã có những vấn đề rất nghiêm trọng về môi trường. Mới trong giai đoạn thử nghiệm đã thế, khi sản xuất đủ 100% công suất còn khủng khiếp thế nào. Trên thực tế còn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở trong tình trạng như thế.

Quản lý không chặt

Rác nhập về đã thế, còn rác phát sinh trong nước nữa?

Rác thải ở trong nước mới khủng khiếp. Chỉ nói riêng về rác thải công nghiệp, tất cả các dự án nước ngoài, trong nước… đã khoanh ra tập trung thành khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… quy định rõ phải đảm bảo tất cả các điều kiện về xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, khí thải… mới được thải ra môi trường. Nhưng có làm được đâu.

Tại sao lại để xảy ra tình trạng lộn xộn như thế, thưa ông?

Xét cho cùng là do quản lý không chặt. Ngay cả các đơn vị có chức năng xử lý rác, được cấp phép hẳn hoi tức là phải có đủ năng lực để xử lý rác, nhưng rồi chính họ lại đi thuê tư nhân để làm việc đó. Tư nhân làm gì có điều kiện để xử lý.

Hoặc lại có hiện tượng rác thu về để chôn thì chỉ phủ sơ sài không xử lý, không có lớp lót để tránh nước rỉ rác… làm thành những vùng, những nguồn ô nhiễm sau mưa và nước thải ngấm sâu xuống các tầng nước dưới đất. Quản lý phải làm thật chặt và phải xử phạt như thế nào để người ta sợ, chứ nếu thấy mức xử phạt không đáng kể thì họ vẫn không sợ, vẫn bất chấp.

Nguyên nhân là do năng lực quản lý kém?

Có nhiều ý kiến chưa hài lòng với việc quản lý của ngành tài nguyên môi trường hiện nay. Tuy đã nỗ lực rất nhiều, thực hiện nhiều việc nhưng rõ ràng với thực tế còn xa mới đáp ứng được. Từ 10/5/2018 theo Nghị định của Chính phủ, Tổng cục môi trường được tăng cường lực lượng với 3 Cục bảo vệ môi trường phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và phía Nam.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đang được Quốc hội đồng ý xem xét để hoàn thiện, bổ sung sửa đổi ngay, làm thế nào trong giai đoạn hiện nay quản lý được tốt hơn nữa. Thông điệp của ta rất mạnh mẽ: Không hy sinh môi trường cho phát triển kinh tế!

Xử lý rác để mang lại lợi nhuận

Nói đến kinh tế chất thải bây giờ có phải là sớm không, thưa ông?

Không đâu, thực tế chúng ta làm từ lâu rồi. Kinh tế chất thải nói đơn giản là phải xử lý chất thải thế nào để mang lại lợi nhuận và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Ví dụ như đốt rác để thành điện năng, nhiệt năng; rác hữu cơ chế biến thành phân vi sinh… Chất thải chăn nuôi thành khí đốt (biogas)… Rác cũng là tài nguyên.

Khi chúng ta nói đến kinh tế chất thải, kinh tế xanh, công nghiệp môi trường… tức là chất thải được tận dụng từ một cái loại hình sản xuất này có thể làm nguyên liệu đầu vào của loại hình sản xuất kia. Rồi những vấn đề về 3R: giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế…

Ta có những mô hình tốt, nhưng dường như chưa nhân rộng ra được?

Nhân rộng có chứ. Ví dụ như dự án xây dựng các làng sinh thái, mà đi đầu là cố giáo sư Nguyễn Văn Trương. Giáo sư và các cộng sự đã giúp đồng bào Dao trên Ba Vì, Sóc Sơn, tận dụng ruộng bậc thang lấy sức nước từ suối chuyển thành điện năng dùng cho gia đình, bờ ruộng thì trồng dứa chứ không bê tông hóa…

Hay việc xử lý rác thành phân vi sinh, chất thải chăn nuôi thành biogas có những dự án lớn như những vùng chăn nuôi tập trung tại Đồng Nai, Củ Chi (TP HCM)… Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc trao giải thưởng về phát triển rộng rãi việc sử dụng biogas.

Việc xử lý chất thải như thế có trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp?

Có chứ. Trong quy định các vùng nuôi trồng tập trung đều có quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc về xử lý chất thải, nếu không tuân thủ thì bên nhập sản phẩm họ sẽ không nhập đâu. Các nước nhập khẩu họ yêu cầu rất rõ ràng về thức ăn có đảm bảo trong cả chuỗi nuôi trồng không, môi trường có an toàn không, chất thải có xử lý không…

Xử lý rác của ta chủ yếu là chôn lấp?

Chủ yếu là chôn lấp và đốt đối với rác thải xây dựng, rác thải rắn sinh hoạt còn chất thải hữu cơ sinh hoạt thì chuyển thành phân vi sinh.

Chôn rác thì phải có lớp lót để nước rỉ rác không ngấm xuống. Hiện nay có phản ánh về nguy cơ ô nhiễm sông Nhuệ vì bãi rác không đảm bảo tiêu chuẩn. Ngay như bãi rác Đa Phước tồn tại hang mấy chục năm nay ở TP HCM bốc mùi hôi ra cả một vùng rộng lớn quanh đó cũng vì chưa xử lý được theo đúng yêu cầu, nhất là nước rỉ rác.

Còn đốt rác thì các lò phải đạt chuẩn, nếu như đốt rác là túi nilon, nhựa thì phải đốt ở nhiệt độ trên 10000C thì mới không phát ra khí thải thứ sinh có chứa độc tố dioxin, còn ở nhiệt độ cháy bình thường là phát sinh dioxin ngay.

Xử lý rác ở Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải?

Về xử lý nói là khó thì đúng là khó, nhưng dễ thì cũng rất dễ. Công nghệ nếu mình không có thì nhập có khó gì đâu, thế giới người ta xử lý cả rồi. Trung tâm của Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cùng một đơn vị thành viên đang triển khai ở Nông Cống (Thanh Hóa) mô hình lò đốt với sự đầu tư của tỉnh đảm bảo nhiệt độ để không sản sinh ra khí thải thứ cấp độc hại. Công nghệ này gọn nhẹ, xử lý được khoảng 2 tấn rác/ngày và rất thuận tiện để dùng cho vùng sâu vùng xa, nhất là các huyện đảo.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top