Mặc kệ, gã lại đủng đỉnh quay lưng đi mất, không thèm nhặt, coi như không có chuyện gì xảy ra, coi như đã xong việc, coi như nhặt túi rác từ ngoài vào trong xe là việc của người khác. Cái túi rác nằm trên đường trơ trẽn, bẩn thỉu.
Thực ra vì tôi không có cảm tình với cái con người bụng to và lười nhác đó nên thấy ghét cả cái hành động của gã. Chứ thực ra, thật đáng tiếc, đó cũng là cách mà chúng ta vẫn thường ngày đối xử với rác.
Tức là khi ở trên tay ta có thể nó chỉ là một cái túi nilon, một vỏ gói bim bim, một túi rác…, nhưng khi vứt ra đường rồi thì ngay lập tức trở thành rác, thành một thứ bẩn thỉu, không đáng động tay đến. Thế nên mới có tình trạng chỉ cần nhà mình sạch, còn ngoài đường, thậm chí ngay trước cửa nhà mình rác ngập lên cũng mặc kệ.
Ai cũng chê đường phố bẩn thỉu, nhiều rác, nhưng chẳng mấy ai cúi xuống nhặt rác dưới chân mình, chưa nói rồi chính mình lại cũng góp phần vào đấy, vứt rác bừa bãi.
Nhớ cái ngày xưa, khi chưa có người thu dọn rác, mỗi nhà phải tự xử lý rác. Cuộng rau, nước vo gạo, cơm thừa…thì cho vào thùng nước gạo để nấu cám cho lợn, cho gà…, những gì lợn gà không ăn được thì cho vào hố rác để bón cho cây, phế liệu, nhôm nhựa, lông gà lông vịt, giấy loại thì bán cho đồng nát…, loanh quanh thế mà vẫn tự xử lý được hết.
Nhưng giờ cứ thử tưởng tượng chỉ cần một ngày không vứt rác, trong nhà đã ngập lên không thể nào chịu nổi. Từ những thứ vô hại như giấy báo, đến những thứ độc hại như chai đựng hóa chất, thuốc diệt côn trùng… cũng vứt hết ra thùng rác. Bao nhiêu cái túi nilon, bao nhiêu chai nhựa, vỏ bọc, màng bọc… tiện thì tiện thật, vứt đi thì gọn thật, nhưng xử lý thế nào thì không hề đơn giản.
Cứ nhìn hình ảnh những con cá bị mắc vào những túi nhựa, mới thấy chúng ta đã vô tình làm sao khi hàng ngày vẫn sử dụng, vẫn thải ra những thứ rác nguy hiểm cho môi trường đến vậy.
Rác không chỉ là vấn đề của ngành vệ sinh, môi trường mà còn là của mỗi chúng ta. Mỗi người cần phải thay đổi thái độ đối với rác mà mình thải ra hàng ngày.
Minh Anh