Hình minh họa.
Cậu bé chừng 4 – 5 tuổi ngồi phía trước xe máy của mẹ, hồn nhiên bóc cái kẹo ra đút vào mồm, rồi ngước đôi mắt trong veo lên hỏi mẹ xem vứt giấy kẹo đi đâu.
Mẹ nó chẳng phải nghĩ ngợi gì chỉ ngay xuống dưới đường. Nhưng đứa bé không làm theo, nghĩ một lúc nó nhét giấy kẹo vào cái hốc nhỏ trên xe.
Rõ là ở lớp đứa bé ấy được cô dạy về vệ sinh môi trường, về việc không được vứt rác bừa bãi ra đường. Còn mẹ nó, chả hiểu hồi bé có được dạy dỗ không, nhưng giờ cũng giống như nhiều người lớn khác, sống bừa bãi, cẩu thả, không có ý thức giữ vệ sinh chung. Ở nó đã có sự đấu tranh giữa những điều cô dạy và điều mà mẹ bảo. May mà nó vẫn nghe theo lời cô.
Có lẽ vì giờ nó còn bé, có lẽ may mắn gặp được cô giáo tốt, thường xuyên nói về ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng nên mới hình thành ở đứa trẻ thói quen tốt đó.
Nhưng vài bữa nữa lớn lên, chuyển sang lớp khác mà gặp cô giáo thiếu quan tâm, chẳng dạy dỗ gì… trong khi về nhà chẳng ai dạy, ra đường không ai nhắc, mà những tấm gương xấu thì đầy rẫy ra đấy, liệu những cái hạt mầm ý thức tốt đẹp đó có sống được hay cũng chết yểu, mất dần đi?
Cứ nói cha mẹ phải làm gương cho con. Nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Con hư thì đổ cho nhà trường, xã hội, mà không thấy rằng vai trò của mình mới là quan trọng.
Nhất là trong giai đoạn đầu đời, khi đứa trẻ ở nhà là chính, thì những ảnh hưởng của gia đình, nhất là của cha mẹ rất lớn. Cha mẹ nói tục chửi bậy ngay trước mặt con, vứt rác bừa bãi, ăn ở luộm thuộm, thiếu trách nhiệm, làm ăn thì gian dối, lừa đảo… làm sao mà con ngoan được. Những tấm gương xấu như thế đứa trẻ phải sống chung, phải nhìn thấy hàng ngày, gì mà không ngấm vào, không ảnh hưởng đến nó.
Rồi đến lúc con hư, đối xử không ra gì với bố mẹ, thường người ta cứ lên án con bất hiếu. Mà không truy ra nguồn cơn của nó là gì. Là từ khi còn bé đã không được gia đình dạy dỗ tử tế.
Con cái là tương lai của mỗi gia đình, dòng họ. Điều kiện mỗi nhà mỗi khác, hoàn cảnh, xuất phát điểm của mỗi nhà mỗi khác, nhưng nếu biết lo cho cái tương lai ấy của mình, không gì tốt hơn là phải dạy dỗ con cái nên người, trở thành những người tử tế.
Minh Anh