Cuộc chiến về rác là cuộc chiến chưa bao giờ có điểm dừng và ngày một bùng phát. Ở đâu có bãi đổ rác, ở đó có đấu tranh tự phát.
Trước những phản ứng dữ dội từ các cư dân vùng rác, chính quyền thường có cách phổ biến là tổ chức đối thoại, xin lỗi, hứa hẹn,… rồi có thể xử lý được người dân còn rác vẫn chẳng xử lý được, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Mới đây, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tha thiết xin lỗi trước dân sống gần bãi rác ô nhiễm, cho rằng cấp dưới đã không hoàn thành nhiệm vụ, ngành Y tế không chịu phun thuốc trừ ruồi muỗi cho dân,… Những giải pháp đưa ra cũng chỉ là tạm thời, mang tính tình thế mà thôi, lò đốt rác gây ô nhiễm vẫn đó, không di dời được thì tất yếu, dân vùng rác còn phải chịu khổ.
Trước đó, vào năm 2017, phong trào phản đối bãi rác lên cao ở các địa phương trong cả nước, điển hình là ở TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế,… Nơi thì đại diện chính quyền đứng ra xin lỗi bà con, nơi thì Giám đốc Công ty xử lý rác cúi đầu xin lỗi, nơi thì chẳng xin lỗi mà cũng chẳng khắc phục, chỉ hứa suông. Có nơi như ở Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch huyện theo chị em phụ nữ ngay cả lúc họ lên Huế đi siêu thị BigC vì sợ họ đi khiếu nại vượt cấp nên phải ngăn ngừa. Bà con nơi đây còn tố rằng họ bị cán bộ xã và “người lạ” đánh khi họ phản đối, chặn xe đổ rác,… Thực sự, đây là một cuộc chiến!
Không chỉ là cuộc chiến giữa những cư dân vùng rác với doanh nghiệp xử lý rác và cách quản lý xã hội của chính quyền mà còn có cả cuộc chiến trong lòng các doanh nghiệp “thầu” rác. “Chiến” mới có miếng mà ăn!
Thật tình, dân ta đối xử với rác rưởi bằng một ý thức cũng rất… rác. Cứ nhìn vào quang cảnh sau một buổi lễ hội hay bắn pháo hoa thì biết, cái còn lại chỉ là rác rưởi. Các nơi danh lam thắng cảnh, các bờ biển bãi cát thơ mộng đều trở thành bãi rác và trái khoáy thay, ra tay dọn dẹp các thứ rác rưởi đó lại là các du khách nước ngoài, có lẽ họ không chịu được rác. Trong lúc họ dọn rác thì các cư dân bản địa làm ngơ và tiện thể, xả rác luôn một cách thản nhiên.
Vùng nông thôn, vùng núi cũng trở nên ô nhiễm nặng nề vì rác. Các dòng sông, dòng suối trở thành phương tiện vận tải rác và người ta trút xuống đầy đủ thứ, từ bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu đến các động vật chết. Bất cứ khi chuẩn bị đi vào hoặc rời khỏi một khu dân cư nào cũng bắt gặp một bãi rác hôi thối ở ven đường, thói quen vứt chuột chết ra đường sao khó mà từ bỏ thế!
Một câu hỏi mang tính kinh điển là chính quyền ở đâu mà không quản lý nổi rác? Thì đây, ngay chuyện ở các bãi rác thì thấy vai trò quản lý của chính quyền. Bởi vậy, giải quyết triệt để vấn đề rác rưởi phải có một ý thức hơn hẳn rác rưởi thì mới thực thi được!
Theo phapluatplus.vn