101 loại đau…
TS.BS Lê Văn Chung, Trưởng Trung tâm Đau, Bệnh viện Saigon - Ito cho biết, hầu hết các bệnh nhân có đau sau phẫu thuật. Một nghiên cứu thực hiện trên 300 bệnh nhân sau phẫu thuật cho thấy: 86% báo cáo đau sau mổ, 75% đau ngay sau mổ từ trung bình đến nặng, 74% vẫn đau sau khi xuất viện.
Đau tác động nhiều đến mọi mặt của bệnh nhân từ tâm lý như gây lo lắng, sợ hãi và ám ảnh, rối loạn giấc ngủ cho đến sinh lý như rối loạn hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu. Đau khiến nhịp tim tăng lên, tăng tiêu thụ oxy cơ tim có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Đau còn tác động tiêu cực lên hệ tiêu hóa và tiết niệu như gây liệt ruột, buồn nôn…
Đau ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. |
Ngoài các cơn đau sau phẫu thuật, theo BS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Đau, Bệnh viện Saigon - Ito, còn có đau mạn tính như đau cơ xương khớp, đau cột sống, đau do zona, đau ung thư, đau đầu, đau do ký sinh trùng…
Nguyên nhân gây đau rất đa dạng và phức tạp. Ví dụ, bệnh nhân đau lưng phần lớn do chèn ép, tổn thương rễ cột sống, nhưng cũng có bệnh nhân đau lưng do viêm khớp cùng chậu hay do khớp bên. Nhiều khi các cơn đau không lan tỏa mà chỉ tại một số vùng nhất định, các kết quả chụp phim không cho biết chính xác nguyên nhân gây đau, các bác sĩ điều trị đau phải dựa vào các kiểu đau như tiêm thuốc vào khớp bên để trị đau lưng.
Để phòng ngừa đau sau mổ, các bác sĩ sẽ phải chuẩn bị tâm lý bệnh nhân trước mổ (giải thích về phẫu thuật, đau sau mổ, hiểu cách đánh giá đau, lựa chọn phương pháp giảm đau sau mổ…), dự phòng đau sau mổ bằng can thiệp trước và trong mổ, nhất là các loại thuốc giúp an thần, giảm đau hay giảm đau can thiệp (gây tê tại chỗ, vùng đau, thân thần kinh, phong bế hạch thần kinh…).
Hiện nay, các bác sĩ đã ứng dụng phương pháp giảm đau đa mô thức bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc giảm đau với cơ chế tác dụng khác nhau, tác động tại các vị trí khác nhau trên hệ thần kinh nhằm giảm chi phí điều trị, giảm liều thuốc, giảm tác dụng phụ, giảm phụ thuộc vào một loại thuốc nhất định, đồng thời tăng hiệu quả điều trị đau.
Đau sau mổ là một trong những cơn đau phổ biến thường hành hạ người bệnh. Ảnh minh họa: K.Phương |
Ngoài thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị giảm đau bằng vật lý trị liệu, xoa bóp - bấm huyệt, kích thích điện, thảo dược, thực phẩm bổ sung, liệu pháp thay thế và tư vấn… BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chăm sóc bệnh nhân khi có những than phiền về đau không chỉ là vấn đề thuốc thang hay kỹ thuật mà yếu tố tinh thần cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Chăm sóc giảm nhẹ
Điều trị đau hay giảm đau là một trong những xu hướng điều trị hiện đại, là một phần trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ.
Chăm sóc giảm nhẹ, bao gồm chăm sóc tại nhà, được lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe ban đầu không chỉ cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc y tế của bệnh nhân mà còn giảm chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Vật lý trị liệu cũng là một trong những phương cách giảm đau, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân. Ảnh minh họa. K. Phương |
Để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững, theo WHO, ngành y tế phải cam kết đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu ở mọi giai đoạn cuộc đời bao gồm các dịch vụ chăm sóc nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ phải dễ dàng tiếp cận cho mọi người.
Thay đổi môi trường, khí hậu, lối sống, chế độ ăn… khiến tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng cao tại Việt Nam. 70% tử vong do các bệnh lý không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư, một gánh nặng rất lớn cho người dân và cho ngành y tế Việt Nam. Mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư hiện nay là mô hình đa mô thức, phối hợp phẫu trị, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch kết hợp với phục hồi chức năng và điều trị giảm đau hay hiện nay gọi là chăm sóc giảm nhẹ.