Phú Thị - Địa linh nhân kiệt

(khoahocdoisong.vn) - Phú Thị - Địa linh nhân kiệt, làng khoa bảng, làng trung hiếu, quê hương của Thái hậu Ỷ Lan, của Thánh thi Cao Bá Quát.

Làng duy nhất có đồng triều tứ Thượng thư

Tình cờ gặp ông Nguyễn Xuân Ư (chủ nhiệm CLB thơ Cao Bá Quát làng Sủi), nghe ông kể về quê mình, cũng chính là quê của Thái hậu Ỷ Lan, quê hương Cao Bá Quát. Sự nồng nhiệt và tự hào khi nói về quê mình của ông khiến tôi phải tìm về làng Sủi.

Đi theo quốc lộ 5, qua Trâu Quỳ, rẽ vào khu công nghiệp Phú Thị, hỏi đường về chợ Sủi, ai cũng chỉ rất nhiệt tình. May mắn tôi gặp được cụ Nguyễn Huy Thuân, nguyên chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nay đã 91 tuổi, người đã sưu tầm, nghiên cứu và viết 6 cuốn sách về làng Sủi và những danh nhân của làng.

Từ lâu, đọc sử thì biết Thổ Lỗi là quê hương của Thái hậu Ỷ Lan. Chính ở nơi đây vua Lý Thánh Tông đã gặp và đưa về cung người con gái hái dâu tài sắc vẹn toàn, để sau này bà trở thành hoàng hậu, 2 lần nhiếp chính giúp vua giữ nước. Những câu chuyện của cả nghìn năm trước tưởng chỉ còn trong sử sách, vậy nhưng về thăm làng Phú Thị hôm nay, được nghe chuyện của những người dân nơi đây, mới thấy lịch sử như một dòng chảy sống động và vô cùng công bằng, không ai, không điều gì bị lãng quên.

Người dân Phú Thị tự hào vì làng mình không chỉ là quê hương Thái hậu Ỷ Lan, của Cao Bá Quát, mà còn là làng khoa bảng, làng trung hiếu. Thế kỷ 18, Phú Thị có 10 vị tiến sĩ được ghi bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (1 trong 21 làng của cả nước có 10 tiến sĩ trở lên). Trong đó họ Nguyễn Huy có 5 vị. Làng Sủi còn tự hào vì là làng duy nhất có 4 vị Thượng thư cùng triều (đồng triều tứ Thượng thư) trong thời gian 1735- 1740. Trong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự có câu «Chung linh đất Sủi ai bì. Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển linh».

Người dân Phú Thị tự hào vì làng mình không chỉ là quê hương Thái hậu Ỷ Lan, của Cao Bá Quát, mà còn là làng khoa bảng, làng trung hiếu.

Người dân Phú Thị tự hào vì làng mình không chỉ là quê hương Thái hậu Ỷ Lan, của Cao Bá Quát, mà còn là làng khoa bảng, làng trung hiếu.

Bia đá còn đây

Phú Thị còn là làng thơ văn. Thế kỷ 19, Phú Thị lại có 2 nhà thơ lớn có tiếng trong cả nước. Đó là cử nhân Nguyễn Huy Lượng, tước Chương lĩnh hầu, Hữu thị lang bộ Hộ, tác giả Tụng Tây hồ phú. Người thứ hai là Cao Bá Quát, vị Thánh thi, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương.

Trong nhà bia có bia Trung Nghĩa Lý tức bia Làng Trung Nghĩa được khắc năm 1764 ghi lại sự việc vua Lê, chúa Trịnh năm 1746 ban tặng cho làng Phú Thị 3 chữ Trung Nghĩa Lý vì có công đánh giặc giữ làng trong thời gian từ năm 1740 đến 1745, ghi danh 91 vị thuộc 11 họ, 7 giáp, đứng đầu là Tham tụng Tư Mã Công, Đông Dương hiệp thống Nguyễn Huy Nhuận.

Hiện trong nhà bia của làng còn có bia Từ vũ bi ghi danh 167 vị tiên hiền (những nhà Nho học có danh tiếng, có công lao với làng). Trong làng có 3 nhà thờ họ được xếp hạng di tích: nhà thờ họ Nguyễn Huy, họ Nguyễn Thế và họ Cao.

Nổi bật nhất trong làng Phú Thị là khu di tích đình, đền, chùa và nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát. Chùa Sủi còn có tên là Đại Dương tự, đời Lý Thánh Tông, Nguyên phi Ỷ Lan đã về đây làm lễ cầu tự và sinh được Thái tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông, do đó bà đã cho xây dựng lại ngôi chùa này gọi là Sùng Phúc tự.

Đình làng Sủi thờ tướng quân Đào Liên Hoa, người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Còn Đền là nơi thờ Thái hậu Ỷ Lan. Trong sân đền còn có giếng cổ, tương truyền khi bà Ỷ Lan về cầu tự đã tắm nước giếng này.

Năm 1989, di tích đình – đền – chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng và làm nhà văn bia. Năm 2005, toàn bộ khu di tích được trùng tu. Đến năm 2009, nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát được xây dựng tạo nên một cụm di tích khang trang xứng tầm với những giá trị lịch sử của vùng đất này.

Những người tâm huyết với truyền thống của làng

Về thăm làng Phú Thị hôm nay, đi vãn cảnh chùa, nghe các cụ giải thích về ý nghĩa của những tấm bia đá, về những bức hoành phi câu đối (đa số đã được các cụ cẩn thận dịch sang chữ quốc ngữ và dán ngay cạnh đó để những người không biết chữ Nho có thể hiểu được)… thấy mọi thứ đều rõ ràng, dễ hiểu. Nhưng để có được những tư liệu đó, các cụ trong làng đã phải rất gian nan, vất vả sưu tầm, tìm kiếm, đọc và đối chiếu những tài liệu cổ. Từ năm 1975, đội ngũ cán bộ lão thành nghỉ hưu về làng đã có tâm huyết sưu tầm, giữ gìn tôn tạo các di tích, khôi phục lễ hội, viết sách lịch sử quê hương.

Riêng việc chứng minh được đây là làng Sủi, tức Thổ Lỗi, quê hương của Thái hậu Ỷ Lan đã là cả một quá trình rất gian nan. Bởi cùng với thời gian, những sai lệch về địa danh khiến một số vùng quanh đó cũng nhận là quê hương của bà.

Hiện làng Sủi vẫn còn những dấu tích về địa danh cũng như lễ hội truyền thống và phong tục tập quán có quan hệ đến quê hương Ỷ Lan. Vùng ruộng Rặng Ổi gần khu di tích đình – đền – chùa Sủi, nơi đón vua về cầu tự. Miếu thờ ông Bông ở vệ lũy tre đầu làng Sủi và thần phả làng cũng ghi ông Bông bị chém đầu ở chợ Sủi và lễ hội Bông sòng của Làng Sủi là lễ giải oan cho Nguyễn Bông.

Đền thờ Ỷ Lan ở Sủi có tượng đức Lý Thái hậu rất đặc biệt không đâu có: tượng có vương miện Phật bà Quan âm trên đầu mà GS Trần Quốc Vượng đã chỉ cho dân làng Sủi đó là tượng của bà Ỷ Lan. Còn trước đó, do thời chiến tranh phải cất giấu tượng, sau này dân làng đã tưởng không có tượng thờ nên phải xuống chùa Dương chụp ảnh tượng thờ ở đây mang ra Bát Tràng đúc theo. Ở đầu làng Sủi còn có chiếc cầu đá có tên Cầu Giàng là nơi Lý Thánh Tông gặp Ỷ Lan. Nhờ những tư liệu ấy, các nhà sử học đã kết luận làng Sủi chính là quê hương Thái hậu Ỷ Lan.

Theo cụ Nguyễn Huy Thuân, con người ta trưởng thành được là nhờ huyết thống, truyền thống và sự phấn đấu của bản thân. Ba cái đó mới tạo nên con người. Vì vậy không bao giờ được quên những truyền thống quý báu của cha ông, của quê hương, đất nước. Sau khi nghỉ hưu, cụ về quê Phú Thị, ngoài CLB thơ Cao Bá Quát mà cụ làm chủ nhiệm từ năm 1993- 2000, cụ dành toàn bộ tâm sức cho công việc sưu tầm tư liệu và viết sách về quê hương mình.

Ông Nguyễn Thế Thiệp, một giáo viên đã nghỉ hưu, cho biết, trong chương trình giảng dạy có tiết lịch sử địa phương, học sinh rất hứng thú vì được học về những nhân vật lịch sử của chính quê mình. Nhất là, nhiều em lại là con cháu của dòng họ lớn trong làng, được hiểu về các cụ mình, rất tự hào.

Theo cụ Thuân, làng Sủi có 6 tên gọi khác nhau: tên cổ là làng Sủi, đến đời Đinh Tiên Hoàng có tên là Thổ Lỗi. Thời Lý Nhân Tông được đổi tên thành làng Siêu Loại. Theo các bia đá từ đầu thế kỷ 16, làng được ghi tên là Phú Thị (giàu vì có chợ). Đến thời Nguyễn, bị đọc chệch thành Phú Thụy. Hiện nay, tên chính thức của thôn là Phú Thụy thuộc xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top