Không nên “trầm trọng hóa” khó khăn
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số địa phương đã phải lùi lịch thi vào lớp 10 THPT, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Việc lùi lịch thi cùng với những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến kỳ thi đã khiến nhiều phụ huynh, thí sinh lo lắng.
Mới đây, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch cho kỳ thi vào lớp 10 sẽ diễn ra vào ngày 12, 13/6 cuối tuần này, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã ký văn bản hướng dẫn liên ngành về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, có nội dung gây chú ý là phòng thi sẽ không bật điều hòa và thí sinh phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm bài thi.
Ngay lập tức, quy định này đã gây “nổi sóng” các diễn đàn với các tranh luận trái chiều.
Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, trong thời tiết oi bức, mà phòng thi không có điều hòa, các con lại phải đeo khẩu trang thì làm sao có thể tập trung làm bài được. Mồ hôi sẽ chảy xuống mắt, xuống miệng, bức bí, khó thở… sẽ khiến thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý, không có được phong độ thi tốt nhất.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, hãy coi những khó khăn của kỳ thi này tựa như thử thách để các con rèn luyện bản lĩnh. Cha mẹ không nên làm “yếu” con bởi những lo lắng thái quá.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trong cuộc sống, cần phải xác định, có những thứ mình muốn, lại có những thứ cần phải làm, dù có thể trái với với một số mong muốn.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những quy định phòng chống dịch là những việc cần phải làm nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh, cho cộng đồng, để có thể trở lại cuộc sống bình thường trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Điều quan trọng nhất lúc này là bố mẹ cần làm sao để con có được tâm thế tốt nhất vào phòng thi, chứ không nên đặt ra những vấn đề của sự khó khăn.
Bởi vì, nỗi lo lắng của bố mẹ, những gì bố mẹ cảm thấy có thể sẽ phóng chiếu vào đứa trẻ. Nếu bố mẹ cảm thấy những quy định “hành tội” đứa trẻ, thì rất có thể các em cũng sẽ cảm thấy như vậy.
Thay vì việc tranh cãi, phản ứng về những thay đổi, phụ huynh hãy hướng dẫn con sự thích nghi với hoàn cảnh khó khăn, động viên các con.
Ví dụ, hướng dẫn con chuẩn bị một số vật dụng được phép mang vào phòng thi có thể tự “giải nhiệt” cho mình, như chai nước uống, khăn tay thấm mồ hôi… Hoặc chuẩn bị trang phục phù hợp, thoáng mát,
Đặc biệt, khi vào phòng thi, các con biết cách làm sao để tránh những xao nhãng với những bối cảnh xung quanh.
Chẳng hạn, mỗi khi con bị phân tán, mất tập trung, thì có thể búng tay một cái, tựa như tắt “công tắc” cảm xúc khó chịu đó đi. Thay vào đó, sẽ tự nhắc nhở mình: Tập trung, hướng sự chú ý của mình vào bài thi và tiếp tục nỗ lực làm.
Cũng có ý kiến đặt ra việc có nên cho các con “tập dượt” làm đề thi trong hoàn cảnh giống như khi các con đang ở phòng thi: Cũng không có điều hòa, phải đeo khẩu trang… theo ông Nam điều này không cần.
Bố mẹ không nên “trầm trọng hóa” khó khăn, mà chỉ cần hướng dẫn con lường trước và giải quyết những vấn đề có thể xảy ra như thế nào.
Cuộc sống này còn có rất nhiều khó khăn. Bố mẹ không thể lúc nào cũng lo cho con từ A đến Z và đến tận cuối đời. Quan trọng là để cho các con thấy được, đây là khó khăn chung, rất nhiều người bị ảnh hưởng. Đối với những sự kiện không thể thay đổi ngay lập tức, phải xác định rằng phải chấp nhận. Và muốn vượt qua được phải đương đầu, thực hiện đúng quy định, làm những điều tốt hơn cho cộng đồng và cho chính mình.
Thường chúng ta có tâm lý, với những gì chưa biết trước sẽ thấy sợ hãi. Cộng thêm qua truyền miệng, thêm thắt các chi tiết, cảm xúc, những lo lắng này càng bị đẩy lên cao. Nhưng thực tế, khi xảy ra lại không đến mức như vậy.
Bố mẹ có thể động viên con: Đây chính là cơ hội để cho con trải nghiệm lại một phần cuộc sống của bố mẹ xưa: đi thi trong khung cảnh tiếng ve ồn ã, nóng bức… Nhưng lúc đó chỉ tập trung làm bài, mồ hôi chảy ra cũng không để ý… Từ những câu chuyện “vui vui” như vậy, các con có thể sẽ thấy tự tin để tập trung ôn tập.
Đây là quãng thời gian rất quan trọng cho các con, cho nên mọi suy nghĩ, phản ứng của bố mẹ không nên mang tính “trầm trọng” hóa, “thảm họa” hóa, vì sẽ ảnh hưởng đến con.
Ngoài ra, cũng không nên để cho con đọc nhiều những tin tức trên mạng, liên quan đến kỳ thi: như những thay đổi liên tục, những vất vả, tỷ lệ chọi… khiến con hoang mang, áp lực, thấy khóa của mình bị thiệt thòi, bất hạnh.
Cứ để các con trải nghiệm những khó khăn, vất vả. Các con khổ một chút không sao cả. Khổ một chút để thấy yêu hơn lao động và thấy quý những điều kiện mà các con đang được hưởng hiện nay.
Lúc này, cần quan tâm nhất tới sức khỏe thí sinh
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, trong lúc này, việc phòng chống dịch, an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
Các phụ huynh không nên lo lắng, băn khoăn về những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến kỳ thi, bởi đó là những cân nhắc, tính toán nhằm đảm bảo sự an toàn nhất cho thí sinh.
Nhiều phụ huynh Hà Nội lo lắng, trong điều kiện thi phải đeo khẩu trang, thí sinh không được bật điều hòa, các con sẽ không tập trung làm bài được... Nhưng sức chịu đựng của con người rất lớn. Khi các em tập trung thi, tập trung vào bài làm thì sẽ quên hết những trở ngại của hoàn cảnh xung quanh.
Phụ huynh cứ yên tâm, không nên băn khoăn quá nhiều. Học sinh luôn có khả năng chịu đựng, phản ứng kịp thời với những thay đổi của điều kiện, hoàn cảnh. Ngay cả việc thay đổi thời gian làm bài thi, thì đề cũng sẽ phải khác, không khó để học sinh không thể làm được trong thời gian ngắn hơn như vậy.
Một số địa phương hiện nay cũng vẫn chưa thể tổ chức thi vào lớp 10 do dịch bệnh. Trong thời điểm này, điều quan trọng đầu tiên là phải quan tâm sức khỏe của thí sinh. Theo đó, cân đối giữa việc học, ăn, ngủ, nghỉ ngơi của học sinh.
Học sinh cần phải học, nhưng không nên học liên miên, quá nhiều, mà chỉ vừa đủ và cân đối, còn lại, dành thời gian cho nghỉ ngơi, thư giãn.
Điều quan trọng là khi học phải tâp trung, và phụ huynh cũng có thể kiểm tra việc ghi nhớ của các con.