Phát triển, xây nhà, làm đường giao thông là tất yếu, làm thế nào để vừa phát triển, mà vẫn không tạo ra gánh nặng cho môi trường?
TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, nghiên cứu về vấn đề nước biển dâng ở ĐBSCL đã trình bày những phát hiện, phân tích khá đầy đủ về vấn đề sử dụng số liệu địa hình khi đánh giá ngập lụt cũng như tính dễ bị tổn thương gây ra bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Bài báo đã chứng minh rằng, việc sử dụng mô hình số độ cao (SRTM và DEM) nếu không được quy chiếu về cao độ quốc gia (theo mực nước trung bình tại Hòn Dáu) sẽ dẫn tới đánh giá không chính xác về nguy cơ ngập lụt cho khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới, thực tế năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ở Việt Nam, bản đồ số độ cao do Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng trong kịch bản năm 2016 là nguồn số liệu cập nhật và tốt nhất. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành giai đoạn tiếp theo của việc đo đạc địa hình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang tiếp tục được cập nhật.
Dự kiến, trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng từ dữ liệu cập nhật này trong các kịch bản tới. Phát triển như thế nào để không tạo ra gánh nặng với môi trường, dẫn đến hệ quả là chính người dân sẽ phải di cư, là bài toán đang cần có ngay lời giải.