Phát hiện sớm ung thư gan

Các bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn đầu thường khó phát hiện vì không có triệu chứng. ở các giai đoạn sau bệnh nhân đau tức dưới sườn bên phải, ăn uống chậm tiêu, đôi khi có sốt. Khi sờ thấy gan to ở vùng dưới sườn phải hoặc vàng da, báng bụng thì đã ở giai đoạn muộn.

Lá gan bị ung thư.

Bệnh nặng nhưng không có triệu chứng

Bệnh nhân Lê Quý T. (53 tuổi, Bắc Ninh) đến Bệnh viện đa khoa Melatec khám là một ca bệnh điển hình cho người bị gan không có triệu chứng rõ ràng. Trong khoảng 10 ngày bệnh nhân ăn uống kém, đau bụng âm ỉ kèm cảm giác đầy chướng bụng, khó tiêu nên đã đi khám.

Kết quả khám phát hiện viêm gan B (HBsAg dương tính), men gan tăng AST: 191.6 U/L, ALT: 53.3 U/L, GGT: 246.1 U/L và đặc biệt AFP: 66875 lg/mL tăng rất cao so (bình thường: 0-20 lg/mL).

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên gia Truyền nhiễm của bệnh viện cho biết, ung thư gan hay xảy ra ở những người viêm gan virus B vì viêm gan B sẽ gây đột biến ADN ở nhân tế bào, gây ung thư. Người viêm gan virus C sẽ gây viêm gan mạn và cũng dễ dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra những người bị nhiễm độc aflatoxin có trong đậu mốc, thức ăn ôi thiu; người nhiễm dioxin gây đột biến tế bào, nhiễm các hóa chất độc hại, người nghiện rượu lâu ngày dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Khi chỉ mới mắc bệnh về gan, người bệnh thường có biểu hiện không rõ ràng như sốt nhẹ, chán ăn, cơ thể mệt mỏi nên nhiều người không để ý, đến khi xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sốt cao, sụt cân không rõ nguyên nhân, đi khám thì bệnh đã tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Kết hợp nhiều xét nghiệm chẩn đoán sớm bệnh

Bệnh nhân T. sau khi được siêu âm ổ bụng thấy gan trái nhu mô gan thô, bờ gan không đều. Chụp cắt lớp vi tính, có kết quả gan biến đổi hình thái, nhu mô gan trái giảm tỷ trọng thành đám có chỗ tạo thành nốt, đường kính lớn nhất phân thùy IV 68mm nên theo dõi ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Do kết quả khám chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên nền viêm gan B, bệnh nhân T. có chỉ định nhập viện điều trị chuyên khoa.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện sớm ung thư gan, trong đó phổ biến là chỉ định làm xét nghiệm AFP (đo nồng độ AFP trong huyết thanh) và siêu âm. Tuy nhiên, mức độ AFP huyết thanh có tỷ lệ âm tính giả cao khi khối u còn nhỏ (giai đoạn sớm) và tỷ lệ dương tính giả cũng cao, vì mức độ AFP cũng có thể tăng ở bệnh nhân xơ gan, viêm gan mạn, bệnh nhân có thai.

Để chẩn đoán sớm ung thư gan khi bệnh nhân chưa có bất kỳ biểu hiện nào người ta phải kết hợp xét nghiệm dấu ấn AFP và hai dấu ấn khác là AFP-L3 và PIVKA-II (DCP) mang lại giá trị đặc biệt trong phát hiện sớm ung thư gan.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, sự kết hợp các dấu ấn khối u có khả năng phát hiện sớm trên 80% ung thư ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), gần 90% khối u có kích thước nhỏ (<2 cm) và trên 90% khối u đơn lẻ của ung thư gan khi AFP thấp< 20lg/mL. Độ nhạy 83% và độ đặc hiệu trên 90% (các xét nghiệm riêng lẻ chỉ cho độ nhạy khoảng 60%).

Khi phát hiện sớm ung thư gan, tùy từng trường hợp u to hay nhỏ mà có chỉ định điều trị thích hợp. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư gan như đốt u gan bằng sóng cao tần, bằng microwave, bằng công nghệ Nano, bơm hóa dầu làm tắc mạch, phẫu thuật cắt khối u gan…Những bệnh nhân có nhiễm virus viêm gan B, C, bệnh nhân nghiện rượu, bệnh nhân sống trong vùng nhiễm hóa chất…cần tầm soát bệnh sớm để tránh gánh nặng về y tế sau này.

Khánh Thủy

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top