Đáng nói, cả hai phương pháp này đều được thực hiện thông qua nội soi, giúp bệnh nhân thoát khỏi các cuộc phẫu thuật ngoại khoa như trước đây.
• Hình xăm y khoa giúp phát hiện ung thư
• Công nghệ đường gắn phóng xạ phát hiện ung thư
• Phát hiện sớm ung thư bằng cách cấy “nốt ruồi” dưới da
• Phát hiện sớm ung thư cần làm các xét nghiệm nào?
Loại bỏ ung thư sớm tránh biến chứng.
Phát hiện ung thư sớm
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lài (82 tuổi, Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng đau bụng cùng các triệu chứng bị bán tắc ruột. Hơn nữa, sau khi làm các xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân còn bị suy thận, tăng huyết áp.
Khi nội soi, các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 đã phát hiện một polyp lớn ở trực tràng, kèm theo đó là một tổn thương khác cũng ở trực tràng nhưng nghi ngờ ác tính.
“Bệnh nhân bị bán tắc ruột do khối polyp lớn chèn ép cơ học lên đường tiêu hóa làm bệnh nhân đi ngoài không được dẫn đến đau bụng. Lúc đầu bệnh nhân vào viện vì yếu tố này. Nhưng sau khi cắt khối polyp to và lành tính này, chúng tôi phát hiện tổn thương mới.
Đáng nói, tổn thương này nếu nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phát hiện do vừa bé lại mỏng, chỉ nhú trên niêm mạc trực tràng. Để phát hiện rõ, các chuyên gia đã sử dụng kỹ thuật nhuộm màu NBI, còn gọi là công nghệ hình ảnh dải ánh sáng hẹp Narrow Band Imaging (NBI). Đây là một trong những kỹ thuật phát hiện ung thư sớm.
Sau khi lấy mẫu và làm sinh thiết thông qua cả hai bệnh viện là Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện K, kết quả đều chẩn đoán nghi ngờ ung thư sớm cần theo dõi.
“Tổn thương của khối polyp to đôi khi không đáng sợ bằng khối u bé với nhìn hơi gồ lên trên bề mặt. Do đó, sử dụng phương pháp phát hiện ung thư sớm sẽ giúp loại bỏ khối u an toàn và nhanh chóng hơn.
Phương pháp này dựa trên máy có chức năng cho phép nhuộm màu khối ung thư để bác sĩ nhìn thấy các thay đổi cấu trúc mô học, ranh giới giữa tổn thương và điểm lành từ đó phát hiện ra được ung thư”, BS Phạm Thị Việt Anh cho hay.
Cắt hớt niêm mạc thay vì phẫu thuật ngoại khoa
BS Phạm Thị Việt Anh cũng cho hay, sau khi phát hiện ra khối ung thư ở niêm mạc trực tràng, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp cắt hớt niêm mạc bằng kỹ thuật nội soi(EMR).
Cụ thể, bình thường ruột của con người có nhiều lớp, trong đó lớp trên cùng là niêm mạc, sau đến lớp dưới niêm mạc. Y học bây giờ cho phép, nếu chỉ tổn thương ở lớp niêm mạc thì coi như ung thư sớm. Khi cắt hết lớp này là điều trị ung thư sớm.
Phương pháp này đưa ra ưu điểm là thay vì trước đây phải dùng ngoại khoa để phẫu thuật cắt cả đoạn ruột nhằm loại bỏ khối ung thư. Vì thế, bệnh nhân phải chịu ảnh hưởng sức khỏe nặng nề. Còn cắt hớt niêm mạc bằng nội soi sẽ tránh được cuộc phẫu thuật, giúp bệnh nhân ổn định hơn.
“Quá trình cắt hớt niêm mạc được diễn ra bằng nội soi. Chúng tôi dùng xanh ethylen đánh dấu chỗ tổn thương và dùng nước muối tiêm phồng, tách lớp giữa niêm mạc và lớp dưới niêm để cắt hớt. Sau khi cắt hớt và đốt, dùng kẹp và may lại để ổn định vết thương.
Sau khoảng 3-5 ngày kẹp sẽ tự rụng và hủy, vết thương sẽ lành. Trong quá trình cắt hớt, bệnh nhân tỉnh bình thường, không cần gây mê, không cần dùng thuốc cầm máu”, BS Phạm Việt Anh nói.
Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay các thiết bị và công nghệ giúp chẩn đoán ung thư sớm rất hiệu quả. Những người trên 45 tuổi, hoặc người có người trong gia đình bị ung thư đường tiêu hóa hàng năm nên nội soi tầm soát ung thư sớm để điều trị.
Hà Linh