Pha 5-30ml methanol vào rượu, người uống có thể ngộ độc và tử vong

TPHCM vừa hết giãn cách, BV Thống Nhất TPHCM và BV Nguyễn Tri Phương đã cảnh báo khi tiếp nhận hơn 20 ca ngộ độc, tử vong vì rượu pha cồn công nghiệp methanol.

Tuyệt đối không sử dụng các loại rượu “3 không”

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, cơ quan này đã nhanh chóng ghi nhận các yếu tố dịch tễ; tiến hành kiểm tra, truy xuất, ngăn chặn các sản phẩm rượu không đảm bảo an toàn lưu thông ngoài thị trường.

Qua quá trình điều tra, kiểm, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đang tiến hành xử lý các đơn vị vi phạm về an toàn thực phẩm, tiến hành lấy mẫu phân tích hàm lượng methanol có trong các mẫu rượu.

ngo-doc-ruou-tai-bv-thong-nhat.jpg
Một ca ngộ độc rượu đã được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.

Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đang tiến hành thanh kiểm tra để xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc rượu cho người tiêu dùng.

"Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng các loại rượu “3 không”: không nhãn mác, không xuất xứ, không nguồn gốc,” PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.

Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc ngộ độc rượu mạn tính khi uống nhiều rượu trong thời gian dài. 

Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm, thậm chí rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol.

Methanol rất độc vì chất chuyển hóa formol (formaldehyd) và axit formic vì chúng thải trừ chậm. Chỉ cần uống 5-15ml methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong.

mot-bn-ngo-doc-ruou-duoc-dieu-tri-tai-khoa-hstc-cd.jpg
Gần 20 ca ngộ độc rượu được ghi nhận trên địa bàn thành phố sau khi TPHCM hết giãn cách vì Covid-19. Ảnh: Một ca ngộ độc rượu đang được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM  

12 ca vào viện, 6 ca đã tử vong

Theo PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, trong 12 ca ngộ độc rượu mà bệnh viện tiếp nhận cuối tháng 9/2021 đến đầu tháng 10 vừa qua, 6 ca đã tử vong. Những ca được cứu sống cũng bị suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa vĩnh viễn. 

TS.BS Hoàng Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thêm: “Rượu nấu từ gạo, mì là rượu ethanol thường được bán với giá khá cao. Còn rượu công nghiệp chứa methanol rẻ hơn nhiều. Hơn thế nữa, vì khó phân biệt, nên để phù hợp với nhu cầu của người lao động ít tiền, người bán thường trộn rượu công nghiệp vào rượu gạo để hạ giá.”

Theo các chuyên gia y tế, methanol có thể gây ngộ độc và bệnh nhân cần phải lọc máu khi nồng độ trong máu trên 50mg/dl, và methanol gây tử vong ở ngưỡng 80mg/dl.

“Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê dần. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu tăng đến 209,42mg/dl,” BSCKII Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cảnh báo.

BSCKII Quốc Hùng cho biết thêm, phần lớn bệnh nhân bị nghiện rượu nên khi vừa hết giãn cách đã tìm cách mua rượu ở những tiệm tạp hóa nhỏ, và uống lượng lớn rượu trong một thời gian ngắn.

Với những nồng độ methanol trong máu cao vượt ngưỡng gây tử vong từ 3 - 4 lần như vậy thường khiến việc điều trị rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân hôn mê sâu dù có khi chỉ số sinh hiệu khá ổn định.

Khi ngộ độc rượu cấp tính, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động.

Giai đoạn sau, bệnh nhân giảm phản xạ gân xương cũng như tri giác, mất khả năng tập trung tư tưởng, nói líu lưỡi. Hơi thở có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản, đi lảo đảo; biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ, lờ đờ; có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp…

Rượu uống nhiều trong thời gian dài dễ gây ngộ độc mạn tính. Người bệnh có những biểu hiện như sụt cân, chán ăn; rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy do gan và ruột bị tổn thương; da niêm mạc nhợt nhạt vì thiếu máu; xơ gan và cuối cùng là ung thư.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top