Người cha (sinh năm 1952) nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng… phải thở máy, dùng thuốc vận mạch, lọc máu sớm. Nồng độ methanol trong máu bệnh nhân lên tới 160 mg/dL, gấp 8 lần mức gây ngộ độc, gấp đôi mức tiên lượng tử vong.
Đáng tiếc hơn, con trai của bệnh nhân nói trên (sinh năm 1980) cũng là người đưa bố vào viện cấp cứu. Sau đó, anh này cũng đã rơi vào nguy kịch, ngưng tim sau 1 tiếng lọc máu.
Theo PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kết quả thử độc chất xác định nguyên nhân do ngộ độc methanol.
1 cụ ông (71 tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nồng độ methanol lên tới 120 mg/dL, tiên lượng nặng khó qua khỏi. Một người đàn ông tên B (38 tuổi) vẫn đang nằm trong ICU, hôn mê sâu do nhập viện trễ sau khi uống ''rượu'' đã lâu.
Hay 4 thanh niên tụ tập uống hơn nửa lít rượu. 2 người tử vong tại chỗ (một tại H.Bình Chánh, một tại Q.Bình Tân), 2 người còn lại nhập viện Bệnh viện Thống Nhất được cứu sống, tuy nhiên một người giảm 50% thị lực, người còn lại thị lực cũng suy giảm đáng kể.
Trong các ca ngộ độc rượu, phổ biến nhất là ngộ độc methanol. Hàm lượng methanol trong rượu thủ công tự nấu không cao, nhưng uống rượu liên tục nhiều giờ đồng hồ, từ ngày này sang ngày khác cũng có thể bị ngộ độc methanol.
Rượu methanol chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc, 15ml trở lên là gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong. TS.BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, khuyến cáo, rượu pha cồn công nghiệp (methanol) có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt và võng mạc, suy hô hấp cấp, giãn mạch, ức chế cơ tim, suy thận cấp, mù mắt, hạ đường huyết...
“Hiện rất khó phân biệt rượu làm từ cồn công nghiệp với ethanol sản xuất từ gạo, mì, giá cao hơn. Nhiều người bán rượu mua ethanol và methanol trộn vào, làm hạ giá thành,” TS.BS Hoàng Văn Quang khuyến cáo.