PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng bài văn “Ghét tết vì tết làm mẹ mệt mỏi” của học sinh là cái nhìn khá hiện đại, dưới một góc độ thực tế: Tết là chuỗi ngày chuẩn bị rất vất vả, cầu kỳ và chỉ khiến cho người mẹ mệt mỏi, nặng nề chứ không phải mang lại sự hứng khởi, hào hứng chuẩn bị tết như thời các cụ ngày xưa.
“Tết phải là sự sung sướng, trẻ thơ vui mừng nhận bao lì xì đỏ một cách – đầy – trong – sáng, người lớn dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết với một tâm thế thoải mái nhẹ nhàng nhất có thể. Còn bây giờ tết là gì? Nó đang dần trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà với sự cầu kỳ, tiểu tiết trong các công tác chuẩn bị” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
Bà cho rằng, với tâm lý muốn cái tết thật đủ đầy nên nhiều gia đình cố mua nhiều đồ ăn, chất đầy tủ lạnh, nhưng sau tết lại không dùng đến và vứt vào sọt rác, gây lãng phí. Đã đến lúc, mỗi người dân nên thay đổi những thói quen ấy.
“Không phải ngẫu nhiên mà GS Võ Tòng Xuân cương quyết giữ quan điểm mà tôi rất muốn ủng hộ. Đó là chúng ta chỉ nên ăn tết cổ truyền theo lịch dương, gộp 2 tết làm một.
Nếu chúng ta ăn 2 cái tết thì sẽ gây ra phiền nhiễu thế nào, nhất là Tết Âm lịch. Và thẳng thắn nhìn rằng, sự phiền nhiễu đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước.
Chúng ta chỉ nên ăn một cái tết trong năm thôi. Nghỉ tết thay vì nghỉ kéo dài 1 tuần, 10 ngày thì chỉ nên nghỉ đúng 3 ngày trọn vẹn. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, gây mệt mỏi, phiền hà cho nhiều người.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có thời gian, dần dần thay đổi được tư duy của người dân Việt Nam” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.
Bà cho biết, có thể quan niệm của bà sẽ bị nhiều người cho là quá tân tiến, không đồng tình. Tuy nhiên theo thời gian, điều gì cũng có thể thay đổi. Bà mong ngày tết, các gia đình nên giản tiện mọi thứ, để dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, đi du lịch hay, dành những phút thư giãn cho riêng mình sau những ngày làm việc mệt mỏi suốt một năm.
Hồng Anh (tổng hợp)