PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Không ai đặt giả thiết “nếu phải ở trong nước sôi”

(khoahocdoisong.vn) - Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) với câu hỏi “nếu phải ở trong nước sôi” đang gây xôn xao dư luận. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, thực tế, không ai có thể sống trong nước sôi, đặt “nếu phải ở trong nước sôi” là trái với tư duy của học sinh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.

Giả thiết không đúng với thực tế

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, đề thi "Nếu phải ở trong nước sôi" có rất nhiều vấn đề. Trong đó, thấy rõ nhất là người ra đề thi không hiểu rõ nguyên lý của cách ra kiểu đề có liên quan đến ngạn ngữ, thành ngữ.

Đã sử dụng ngạn ngữ, thành ngữ để ra đề thì cần phải hiểu rõ con đường hình thành nghĩa hình tượng của loại đơn vị này. Nói đến nghĩa hình tượng thì phải hiểu theo nghĩa khái quát, nghĩa hình ảnh. Loại nghĩa này không hình thành bằng con số cộng đơn thuần của các thành tố tạo nên nó.

Thế nhưng, trong trường hợp này, người ra đề đã lấy một thành tố trong cấu trúc thành ngữ làm thành câu hỏi để yêu cầu học sinh “luận” về mối quan hệ giữa hoàn cảnh và bản lĩnh của con người khi gặp sự không may do hoàn cảnh tạo ra. 

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) môn Ngữ văn gây tranh cãi.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) môn Ngữ văn gây tranh cãi.

Cụ thể, người ra đề thi đã dùng cái nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của thành tố cấu tạo nên thành ngữ làm cơ sở cho việc “luận”. Đề bài trở nên “thô” và “phản cảm”, vì đó là sự giả thiết không hợp lý và không đúng với thực tiễn, chưa nói là rất phi khoa học. Bởi thực  tế, con người không thể tồn tại trong “nước sôi”.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam không thiếu những câu thành ngữ, tục ngữ rất hay, vì sao người ra đề không sử dụng mà lại “sính” dùng các câu thành ngữ, tục ngữ nước ngoài? Đây là loại lỗi được nhắc đến rất nhiều khi các độc giả phê phán việc biên soạn SGK môn Tiếng Việt. 

Kho tàng văn học dân gian thế giới có những thành ngữ, ngạn ngữ mang tính phổ quát cho tư duy nhân loại (nghĩa là, nó có thể dùng chung cho mọi dân tộc), nhưng cũng có thành ngữ, ngạn ngữ mang tính đặc thù cho các kiểu tư duy riêng thuộc về đặc trưng của tư duy văn hóa dân tộc.

Câu ngạn ngữ mà đề thi sử dụng mang tính đặc thù rất rõ. Nó chỉ hợp với tư duy người phương Tây mà không hợp với tư duy người Việt. Vì với người Việt, chỉ có cách tư duy “nước sôi làm cho trứng chín” chứ không có cách tư duy “nước sôi làm cho trứng cứng”.

Nếu có, thì có thể là cách nói trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học, không phải là cách tư duy dùng trong đời sống của người Việt Nam. Do đó, đề bài này không gắn với đời sống thực tiễn, cũng không gắn với tư duy văn hóa dân tộc. Bắt học sinh “luận” thì  quả là sự đánh đố với học sinh.

"Kể cả chỉ là giả định gì thì cũng phải  dựa trên cơ sở thực tế. Không ai lại đặt ra giả thiết với học sinh rằng: “nếu phải ở trong nước sôi”. Bởi ở trong nước sôi thì chết luôn rồi. Đây là một câu hỏi vụng, thể hiện sự thiếu từng trải của người ra đề", PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt bày tỏ quan điểm. 

Không nên bao biện, mà cần rút kinh nghiệm

Đây không phải lần đầu tiên một đề văn gây xôn xao dư luận, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, việc để lọt những đề như thế này thể hiện người ra đề thiếu trình độ chuyên sâu đáp ứng với nhu cầu đào tạo. 

Muốn ra một đề chất lượng cao đòi hỏi người ra đề phải là những giáo viên, chuyên gia giỏi thực sự, trong đó phải rất giỏi về văn học, về ngôn ngữ và phải có độ trải nghiệm nhất định. Đối với loại đề văn yêu cầu học sinh làm bài theo hướng “luận” thì càng đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Ngoài ra, người ra đề phải có khả năng diễn đạt tốt, nếu không thì khó có thể tạo ra những câu hỏi phù hợp và hay.

Từ thực tế về ra đề thi, thì thấy nhiều giáo viên văn của ta hiện rất yếu về ngôn ngữ, nên cách hiểu văn học còn đơn giản. Hơn nữa, quá trình thẩm định cũng không cẩn thận hoặc thiếu các chuyên gia thực thụ, đủ tầm để có thể quán xuyến công việc. Đây chính là các lý do để lọt những lỗi như thế này. 

"Theo tôi, đề văn này đã có những lỗi sai rất cơ bản. Khi muốn kiểm tra năng lực, tư duy của học sinh thì trước hết phải chú ý đến cách hiểu ngữ liệu. Trong đề bài, phải phân biệt được nghĩa của cả câu thành ngữ khác với nghĩa đen của các thành tố tạo nên nó. Nhưng ngay chính người thầy cũng chưa hiểu được mối quan hệ  giữa nghĩa hình tượng và nghĩa đen của câu ngạn ngữ thì làm sao đòi hỏi học sinh có thể “luận” đúng vấn đề?",  PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, việc các từ như “nước sôi”, “quả trứng”, “củ khoai tây”... trong phần giả định đã không được bỏ trong ngoặc kép hoặc in nghiêng là sơ suất của người ra đề. Lỗi này thuộc về hình thức trình bày, gây hiểu lầm, nhưng không làm sai biệt thông điệp của phần trích dẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, cứ cho là các từ: “nước sôi”, “quả trứng”, “củ khoai tây”... trong phần giả định được đặt trong ngoặc kép hoặc in nghiêng thì đây vẫn không phải là loại đề đạt yêu cầu chứ chưa nói là “hay”. Chúng ta không nên bao biện mà cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc để các lần sau có được các đề thi tốt hơn.

Việc ra đề Văn mở hiện nay được nhiều người ủng hộ, nhưng mở ở mức nào cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, đề mở là loại đề thú vị và dễ phân biệt được trình độ của người làm bài.

Người làm bài có thể có nhiều cách trình bày, lập luận, dựa vào thực tiễn: thực tiễn văn học, thực tiễn cuộc sống cũng như thực tiễn tư duy, văn hóa người Việt Nam. Khi ra đề, nếu không gắn với thực tế đời sống, thực tế văn học cũng như văn hóa, tư duy thì không ổn.

Hiện nay, không ít người ra đề rất “sính ngoại”, mà không hiểu rằng, với học sinh, nhất là với học sinh giỏi, thì càng cần phải đánh thức tư duy sáng tạo của các em về cách hiểu vốn thành ngữ, tục ngữ của dân tộc.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top