Cán bộ chi cục bắt bọ dừa được nuôi trong hộp nhựa. Ảnh: Hoàng Nam.
Cầm cây cọ nhỏ, chị Ngụy Kim Yến, khẽ khều nhẹ những con ấu trùng có hình dạng như con dòi, bên cạnh là các ống nghiệm chứa những con ong non vừa nở. Đây là công việc thường ngày của nhân viên Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre, cho bọ dừa ăn, sau đó nuôi ong ký sinh vào trong cơ thể chúng.
"Những con ong ký sinh này có nguồn gốc từ đảo Samoa, được chúng tôi nhân nuôi hơn 10 năm nay để cung cấp cho người dân", chị Yến nói và cho biết, cách nuôi bọ dừa và ong ký sinh rất đơn giản.
Ban đầu, trong hộp nhựa cần có lá dừa non và miếng giấy thấm mật ong pha loãng. Sau đó, người nuôi bắt ấu trùng bọ dừa trên cây bỏ vào cùng ong trong hộp và đậy nắp lại. Bọ dừa sống nhờ ăn lá dừa, còn ong sẽ ăn mật và đẻ trứng vào cơ thể bọ. Khi ong non nở sẽ ăn cơ thể bọ dừa để lớn.
"Sau khoảng nửa tháng, người dân đem xác những con bọ dừa có chứa ong ký sinh bỏ vào chai nhựa có khoét lỗ và treo trên cây dừa. Ong sau đó sẽ tự bay ra và tìm bọ dừa gây hại trên cây để ký sinh, tiêu diệt", chị Yến chia sẻ.
Ong ký sinh bỏ trong chai nhựa khoét lỗ treo trên cây dừa. Ảnh: Kim Yến. |
Chị Nguyễn Thị Đậm (Bình Đại) có 2.000 m2 trồng dừa cho biết, trước đây cây dừa bị bọ gây hại phải dùng thuốc xịt nhưng không hiệu quả. Sau khi nuôi thả ong ký sinh, vườn dừa đã giảm nạn bọ phá hoại khoảng 80%.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục phó Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp Bến Tre, hiện diện tích dừa toàn tỉnh trên 70.000 ha. Năm trước, có gần 5.000 ha dừa bị nhiễm bọ. Do cây dừa cao nên khi bị nhiễm bọ nông dân rất khó xịt thuốc, việc dùng thuốc hóa học nhiều cũng không tốt cho sức khỏe và môi trường.
Bình quân 1.000 m2 vườn dừa mỗi tháng cần ít nhất hai lần xịt thuốc, nông dân phải chi khoảng 700.000 đồng. Còn ong ký sinh giống diệt bọ dừa được chi cục cung cấp miễn phí cho người dân.
Hai cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật nuôi ong cung cấp cho người dân. Ảnh: Hoàng Nam. |
Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre cũng cho hay, ngoài ong ký sinh, đơn vị đang nhân nuôi bọ đuôi kìm cũng có tác dụng diệt bọ dừa để cung cấp cho người dân. Cùng với bọ dừa, đuông dừa gây hại cũng đang là vấn đề nan giải.
"Chúng tôi cũng đang nghĩ đến phương án tìm loài thiên địch tương tự ký sinh lên ấu trùng đuông dừa gây hại, tuy nhiên, cái khó là đuông dừa sống sâu trong thân cây chứ không như loài bọ dừa", ông Dũng nói.