Các loại rắn kể trên có túi chứa nọc độc ở hàm trên sau hai con mắt. Khi rắn cắn nọc độc tiết ra qua ống nhỏ trong hai răng nanh để hạ độc đối phương, nhưng những chất độc ấy có tác dụng làm thuốc điều trị một số chứng bệnh khác nhau .
Thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn vào kinh phế và can, kiêm vào tất cả các kinh lạc. Khi bị rắn cắn, nọc rắn chạy lan tỏa rất nhanh trong cơ thể. Cho nên các chế phẩm của rắn điều trị được nhiều chứng bệnh. Đặc biệt là trừ được các chứng phong như: Phong nhiệt, phong hàn, phong thấp và chứng bế (tê dại).
Các chế phẩm từ rắn bên trong đi vào các phủ tạng, bên ngoài lan tỏa khắp bì phu cho nên ngoài điều trị các chứng phong còn điều trị được cả những chứng tý không thuộc phong. Trong một bài thuốc cổ phương, danh y Lý Thời Trân (Trung quốc) đã dùng mật của ba loại rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn ráo chế thành bào thuốc “Tam xà đởm” điều trị chứng sốt nóng, đờm giải, suyễn thở, co giật của trẻ em và người lớn rất hiệu quả. Một số tài liệu còn nói: Chế phẩm của rắn có thể chữa được chứng kinh phong (động kinh), chứng nhãn khẩu oa tà (liệt giây thần kinh số 7 ngoại biên).
Đông y thường dùng mật rắn, thịt rắn, da rắn, mỡ rắn, xương rắn với những công dụng như sau:
- Mật rắn: Gọi là xà đởm, tẩm rượu phơi 3 ngày đêm cho khô hẳn. Khi dùng cứ 0,12g mật rắn hổ mang pha với 30ml rượu 400, chia làm 2 lần uống trong ngày để điều trị chứng phong nhiệt đau lan tỏa.
- Da rắn: Gọi là xà thoái, khi bắt được rắn treo lên lột lấy da, rửa rượu cho sạch, sấy khô, tán bột mịn, hoặc đốt tồn tính để điều trị một số bệnh ngoài da như các vết loét của bệnh hủi, hoặc bệnh viêm tai ngoài của trẻ em.
- Xương rắn: Gọi là xà cốt, làm thịt rắn, luộc chín bỏ hết thịt da, phủ tạng chỉ lấy xương sống và xương đầu, rửa sạch sấy khô, ngâm rượu 400, hoặc nấu thành cao điều trị phong thấp. Nếu lượng nhiều thì đập chết rắn ngâm xuống nước sau 100 ngày vớt lên rửa sạch, sấy khô, cách dùng như trên.
- Thịt rắn: Gọi là xà nhục, làm thịt rắn, lột da, bỏ phủ tạng, lọc lấy thịt, băm nhỏ, gói lá lốt, nướng hoặc rán lên cho trẻ ăn liên tục một tuần để điều trị chứng chốc đầu của trẻ em. Mỡ rắn rán lên kết hợp với một vài vị thuốc làm thành cao để bôi ngoài.
- Rượu rắn: Gọi là xà tửu , lấy 3 loại rắn, gọi là tam xà gồm: Rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn ráo. Nếu là ngũ xà thì thêm rắn lục, rắn nước. Bỏ rắn còn sống vào lọ đổ ngập cồn 900 ngâm 3 ngày rắn chết, tiết giảm bớt một phần chất độc, sau đó lấy rắn ra chặt đầu, đuôi, lột da, bỏ phủ tạng, chỉ để lại mật, lấy rượu sạch 400 ngâm 100 ngày.
Rượu rắn có màu vàng hơi xanh là loại tốt, sau đó kết hợp với một bài thuốc đông y (tùy theo từng loại phong mà dùng bài thuốc cho thích hợp) ngâm riêng, sau đó lấy rượu rắn và rượu thuốc trộn lẫn với nhau với liều lượng 50/50. Cách dùng: Ngày uống 1 lần vào buổi tối 30ml trước khi ăn tối, hoặc trước khi đi ngủ, để điều trị chứng phong. Kiêng kỵ: Người khí huyết hư sinh phong thì không được dùng.
Nói chung mật rắn, thịt rắn, da rắn, mỡ rắn, xương rắn, rượu rắn chỉ mới là một vị thuốc, khi điều trị cần kết hợp với một số vị thuốc khác để làm tăng tác dụng của chế phẩm rắn thì điều trị mới có tác dụng. Ví dụ: Nếu là chế phẩm để trị chứng phong thấp thì phải kết hợp với các vị thuốc khu phong tán hàn, trừ thấp, hành khí bổ huyết. Nếu để điều trị các chứng bệnh ngoài da thì cần dùng phối hợp với các vị thuốc kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt giải độc.
Như vậy Rắn là một vị thuốc quí của Đông y mà hàng nghìn năm nay cha ông chúng ta đã từng sử dụng để chữa bệnh cho nhân dân. Trong nhiều bài thuốc Đông y cổ phương đã có dùng rắn Hổ mang, điều trị một số bệnh có hiệu quả.
Bài thuôc gia truyền từ rắn điều trị chứng di tinh của nam giới. Bắt một con rắn nước đập chết, bỏ vào nồi đất đậy kín, đổ trấu bên ngoài hun cho rắn cháy thành than, để nguội, lấy ra bỏ vào lọ, cho vào 500ml rượu 350 ngâm 30 ngày. Cách dùng: mỗi tối uống 30ml vào lúc ăn tối, uống liên tục 2 đợt hết chứng di tinh- bài thuốc gia truyền của lương y Nguyễn hữu Tuệ truyền lại. Chúng tôi đã điều trị cho 13 bệnh nhân khỏi bệnh một cách hoàn hảo đã sinh con.
Như vậy các chế phẩm của rắn là những vị thuốc quí để chữa bệnh của nền đông y Việt nam, chứ không phải là thực phẩm chức năng. Mong rằng chúng ta nên đưa các chế phẩm của các loại rắn và rắn hổ mang về đúng vị trí và giá trị chữa bệnh đích thưc của nó.
TTND.BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng