Đầy hơi, chướng bụng thường xuất hiện khi tình trạng dạ dày và ruột bị dư thừa khí (hơi) làm cho bụng căng lên. Các triệu chứng kèm theo có thể là cảm giác buồn nôn hoặc nôn, ợ chua, đau bụng hoặc táo bón, tiêu lỏng. Các triệu chứng sẽ trở nên khó chịu hơn sau khi chúng ta ăn quá no hoặc bữa ăn nhiều tinh bột và chất béo.
Hơn nữa, thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có gas nhiều trong các ngày Tết lại càng làm dạ dày nê trệ (đầy bụng ăn không tiêu).
Ngoài ra, thói quen ăn uống không khoa học, vừa ăn vừa xem tivi, ăn nhanh và nhai không kỹ trước khi nuốt, thời gian ăn thay đổi thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tiêu hóa.
Dưới đây là một số loại thức uống giúp giảm chứng đầy hơi, chứng bụng dịp lễ Tết:
Nước gừng tươi
Gừng là vị thuốc được nhắc tới rất nhiều về tác dụng chữa bệnh trong đó có đầy hơi chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, giải độc… Nhiều nghiên cứu cho thấy, gừng có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa, điều này có thể giúp dạ dày được làm trống nhanh hơn, tạo điều kiện cho khí di chuyển xuống ruột non, từ đó giúp bạn giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Ngoài ra, gừng còn có tác dụng hỗ trợ kháng viêm, giảm đau trong các trường hợp bị nhiễm trùng trong đường ruột.
Cách dùng gừng để đẩy lùi tình trạng đầy hơi, bụng chướng như sau:
Cách 1: Cắt 3 lát gừng mỏng hãm với khoảng 100ml nước sôi, để khoảng 10-15 phút, rồi uống.
Cách 2: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn nấu với nước sôi 5-10 phút. Lọc lấy nước cốt rồi cho thêm 1 muỗng mật ong và 1 muỗng cốt chanh vào khuấy đều rồi uống.
Cách 3: Hãm trà gừng uống với 100ml nước sôi, để khoảng 10-15 phút sau rồi uống.
Nước chanh tươi
Chanh giúp hỗ trợ tiêu hóa vì axit trong quả chanh kích thích sản sinh axit clohidric có tác dụng làm tiêu thức ăn. Uống một ly nước chanh ấm vào buổi sáng sẽ tốt cho dạ dày hoặc ngay khi bị đầy bụng sẽ giúp làm giảm triệu chứng nhanh chóng.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với người có sẵn bệnh lý viêm dạ dày hoặc trào ngược khi sử dụng nước chanh tươi.
Nước trần bì (vỏ quýt khô)
Trần bì là vỏ quả quýt chín phơi khô. Theo Đông y, trần bì có vị cay, tính ấm, có tác dụng hành khí hòa vị, cầm nôn, trị ăn uống không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, tiêu chảy, tiêu đàm, giảm ho.
Dùng vài miếng trần bì rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào ly nước sôi hãm 10-15 phút, nên uống khi còn ấm để có tác dụng tốt hơn.
Nước bạc hà
Bạc hà có thể giúp giảm đầy hơi qua tác dụng làm thư giãn các cơ co bóp trong ruột, qua đó giúp cho khí và chất thải di chuyển nhanh hơn.
Cách 1: Dùng từ 1-2 tách trà bạc hà mỗi ngày. Khi sử dụng lấy một muỗng lá bạc hà hãm với 150ml nước sôi, sau 15 phút có thể dùng ngay.
Cách 2: Nhai sống vài lá bạc hà kết hợp uống một ly nhỏ nước táo mèo lên men trong bữa ăn có công dụng giảm đầy hơi, chướng bụng, kích thích tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Cách 3: Hãm vài lá bạc hà với nước sôi 10-15 phút, rồi uống.
Trà xanh
Trà xanh là loại đồ uống dân dã, quen thuộc với mọi người. Trong y học, trà xanh là một loại dược liệu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Nó giúp hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh. Trà xanh là loại đồ uống đơn giản có khả năng giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày đồng thời hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa trong cơ thể.
Trà xanh chứa chất chống oxy hóa polyphenol giúp tăng tốc độ chuyển hóa chất béo thành calo, thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ thừa từ đó giúp quá trình giảm cân diễn ra hiệu quả hơn.
Trà xanh kích thích sản xuất nước bã nhờn, giảm cảm giác buồn nôn, giảm áp lực trong dạ dày, ổ bụng nhờ đó cảm giác đầy hơi cũng thuyên giảm.
Các chất chống oxy hóa trong loại đồ uống này còn giúp chống lão hóa, giúp da dẻ khỏe mạnh, bảo vệ da trước các tác động của ánh nắng mặt trời, hạn chế sự xuất hiện các dấu hiệu của tuổi tác.