TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, chứng ợ nóng xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (LES) – nối từ thực quản đến dạ dày – giãn một cách không thích hợp và thực phẩm bị đẩy trở lại, hoặc khi dạ dày sản sinh ra quá nhiều axit và bị trào ngược vào thực quản.
Có khá nhiều thực phẩm gây ợ nóng trong những món ăn chúng ta ăn hàng ngày, do cách chế biến, do sự kết hợp thực phẩm không cân bằng…
Theo nghiên cứu dinh dưỡng, các thực phẩm gây giãn cơ vòng thực quản dưới hoặc sản xuất acid dạ dày và khí gồm: Thức ăn chiên rán; Thịt nhiều mỡ; Bơ động vật và bơ thực vật; Mayonnaise; Nước sốt kem; Salad; Các sản phẩm sữa nguyên chất; Sô cô la; Rau bạc hà; Đồ uống có caffein (ví dụ như nước ngọt, cà phê, chè, ca cao).
Các loại thực phẩm có thể kích thích sản xuất axit và làm tăng chứng ợ nóng gồm: Đồ uống có caffein; Nước giải khát có ga; Đồ uống có cồn; Thức ăn cay; Tiêu đen; Quả cam quýt và nước trái cây (ví dụ cam, bưởi); Nước ép cà chua…
Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người mà thực phẩm gây ra mức độ ợ nóng khác nhau và thời điểm ăn, cách ăn cũng đóng vai trò trong sự xuất hiện của chứng ợ nóng. Ăn quá gần giờ đi ngủ, hoặc ăn một bữa ăn quá muộn vào ban đêm, có thể góp phần vào chứng ợ nóng ban đêm.
Ảnh minh họa
Lời khuyên của TS Trương Hồng Sơn để ngăn ngừa chứng ợ nóng là bạn cần lập kế hoạch cho bữa ăn để ngăn ngừa và kiểm soát chứng ợ nóng. Không nên kết hợp trong một bữa ăn nhiều thực phẩm cay nóng, nhiều thực phẩm có nguy cơ gây ợ nóng như nói ở trên.
Thông thường, các chuyên gia ẩm thực sẽ dùng những món mát, vị thanh nhẹ, nhiều rau đi kèm những món có thể gây ợ nóng để cân bằng dinh dưỡng và dễ tiêu. Thường xuyên ăn các bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn. Ăn chậm và không đi ngủ khi no bụng. Nâng đầu giường lên vài cm để xuôi thực quản, tránh trào ngược axit dịch vị.
Đặc biệt, nếu đã có tiền sử dạ dày thì nên tránh tối đa các thực phẩm có yếu tố kích thích chứng ợ nóng như nói trên. Bỏ thuốc lá, mặc quần áo mỏng hơn, giảm cân và uống nước ấm.
Nhật Nam