Nội soi tiêu hóa gây mê là phương pháp được sử dụng trong thăm khám các bệnh lý đường tiêu hóa gồm cả đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản, tá tràng) và đường tiêu hóa dưới (đại - trực tràng).
Nội soi tiêu hóa gây mê được đánh giá là phương pháp an toàn, ít biến chứng và chính xác. Lượng thuốc mê sử dụng để gây mê bệnh nhân sẽ được các bác sĩ gây mê tính toán phù hợp với thể trạng của từng người bệnh. Người bệnh sẽ tỉnh lại ngay sau khi kết thúc quá trình nội soi và không ảnh hưởng tới sức khỏe.
So với phương pháp nội soi tiêu hóa truyền thống, người bệnh phải trải qua những tình trạng như khó chịu, đau đớn, buồn nôn, nôn, nhu động ruột bị kích thích,... gây khó khăn cho bác sĩ, gây ảnh hưởng tới kết quả nội soi.
Nhưng với nội soi tiêu hóa gây mê, những tình trạng ở trên sẽ không còn. Người bệnh sẽ chỉ cảm giác như vừa trải qua một giấc ngủ sâu, vô cùng êm ái và dễ chịu.
Những người không được phép nội soi gây mê - Ảnh minh họa |
Những điều lưu ý khi nội soi tiêu hóa gây mê:
Nội soi gây mê, sẽ cần một khoảng thời gian để thuốc mê hết tác dụng (thường là khoảng 1 giờ). Người bệnh nên nghỉ ngơi chờ tỉnh táo, có người nhà đi cùng và đưa về.
Sau khi nội soi, người bệnh có thể cảm thấy: đau rát họng, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng nhẹ. Tình trạng này sẽ giảm dần trong ngày.
Ăn món cháo, súp nấu, đồ lỏng vì dễ tiêu hóa. Có thể dùng sữa nguội, nhưng không nên uống sữa nóng có thể làm tổn thương dạ dày.
Ngày đầu tiên sau khi nội soi, bệnh nhân tránh ăn rau củ quả có vị chua như chanh, xoài, bưởi,.. hay các món ăn được muối chua như dưa kiệu, cà muối...
Tránh xa rượu, bia, các loại thuốc lá, cà phê. Những chất kích thích này sẽ phá hủy lớp niêm mạc dạ dày, khiến cho dạ dày bị tổn thương.
Những ai không được nội soi tiêu hóa gây mê
- Nghi ngờ bị thủng dạ dày, bỏng do uống phải axit.
- Suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp.
- Bệnh nhân vừa mới ăn no.
- Bị loét thủng ống tiêu hóa.
BS Trần Cảnh (Bệnh viện K TƯ)