Khoanh đáp án vào đề thi
Hiện tại, các địa phương vẫn đang gấp rút chấm thi tốt nghiệp THPT để hoàn thành theo đúng tiến độ. Trong quá trình chấm thi, đã phát hiện một số sai sót của thí sinh khi làm bài, trong đó có việc khoanh đáp án vào đề thi.
Cụ thể, ở Hội đồng thi Hà Nội, ông Hà Xuân Nhâm, Phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm cho biết, trong số bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi này, có 1 thí sinh sau khi làm bài thi môn Lịch sử vào phiếu trả lời trắc nghiệm, thì đến môn Địa lý lại khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi như một cách làm nháp. Sau đó thí sinh này quên không khoanh lại các đáp án đã làm ở đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi phát hiện ra thì đã hết giờ làm bài.
Giám thị và điểm thi đó đã thu cả phiếu trắc nghiệm và đề thi của thí sinh này, niêm phong riêng bài thi và tiến hành lập biên bản.
Phiếu trả lời trắc nghiệm này vẫn được tiến hành quét vì có bài làm môn Lịch sử của thí sinh. Tất cả việc này đều có báo cáo lãnh đạo ban chấm thi và có sự chứng kiến, giám sát chặt chẽ của thanh tra chấm thi.
Còn tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm cho biết, tỉnh cũng có 3 bài thi trắc nghiệm thí sính khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi.
Trong đó, có 2 bài thi môn Địa lý và 1 bài thi môn Giáo dục công dân. Đây là tình huống mà địa phương chưa từng gặp trong các lần chấm thi, nên ông Tuế cho biết phải xin ý kiến của Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn xử lý cụ thể.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị ban chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội, Quảng Ninh và những trường hợp tương tự cần lập biên bản chấm với bài thi này, có xác nhận của đầy đủ các thành phần liên quan và tiến hành chấm đúng quy định trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của thí sinh và thực hiện đúng quy chế thi.
Những lỗi sai này, không phải chỉ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thí sinh mới mắc phải, mà ở những kỳ thi trước cũng có đối với bài thi trắc nghiệm.
Một đặc điểm chung của các thí sinh khi vướng phải lỗi này đó là một số trường hợp các thí sinh do sợ sai nên chọn đáp án trên đề thi mà quên tô vào phiếu trả lời, đến cuối giờ tâm lý hoảng loạn nên tô không kịp và có khi tô nhầm đáp án. Bởi vậy, các thí sinh cần lưu ý là hãy giữ bình tĩnh và tô đáp án ngay vào phiếu khi đã chắc chắn.
Đối với những câu hỏi khó có thể bỏ lại để làm câu khác. Tuy nhiên, khi bỏ qua câu nào thì hãy đánh dấu, ghi chú lại để không bỏ quên và không mất công dò lại câu. Hoặc tránh trường hợp nhiều thí sinh bỏ quên không quay lại khiến đáp áp bị bỏ trống và mất điểm câu đó.
Trong trường hợp đã đến cuối giờ mà không tìm ra đáp số, thí sinh có thể khoanh đáp án mà mình cảm thấy đúng nhất hoặc dựa vào “linh cảm”. Như vậy, bài thi sẽ không bị bỏ trống, vẫn có xác suất có đáp áp đúng, có điểm.
Môn Ngữ văn: Thiếu kỹ năng làm bài, bỏ trắng bài thi
Cô giáo Lê Thu H., giám khảo chấm thi tại Hội đồng thi Hà Nội cho biết, đề thi môn Văn năm nay khá “dễ thở”, riêng đề Đọc hiểu (3 điểm) thí sinh “nhắm mắt” làm cũng phải được 2 điểm rồi. Nhưng vẫn có những thí sinh không làm bài, thậm chí đã có bài bị điểm 0.
Theo cô H., đối với môn Ngữ văn, đầu tiên là kỹ năng làm bài, đây là điều rất quan trọng, đặc biệt với bài nghị luận. Kỹ năng đó, là phải đưa được tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận vào bài. Ví dụ, đối với đề thi năm nay, khi các em nêu được tác giả, tác phẩm, đưa từ khóa “tư tưởng đất nước của nhân dân” vào bài là đã có điểm rồi.
“Khi giáo viên chấm bài cũng phải “gạn đục khơi trong” để cho học trò điểm, không khắt khe gì. Vấn đề là các em cũng phải có ý thức và có kỹ năng làm bài. Chứ giáo viên cũng không thể cho khống điểm được”, cô H. nói.
Điều lưu ý thứ hai, theo cô H., đó là các thí sinh hãy nhìn vào đáp án, biểu điểm của Bộ GD&ĐT để thấy, với dạng đề như vậy, cần phải viết làm sao để được điểm. Ví dụ, bài thi sẽ phải đảm bảo các tiêu chí: Cấu trúc một đoạn văn, hình thức của một đoạn văn, sự sáng tạo và cuối cùng là nội dung, trong đó nội dung chỉ là một phần điểm, còn các tiêu chí kia cũng có điểm. Vậy thì, cần đảm bảo những tiêu chí đó để tránh mất điểm cho mình.
Đối với đề viết đoạn văn nghị luận có giới hạn số chữ, những năm trước, nếu thí sinh viết ngắn quá, dung lượng không đảm bảo cũng bị trừ điểm, viết dài quá cũng bị trừ điểm. Nhưng năm nay, thí sinh viết ngoài 200 chữ, cũng không bị trừ điểm, vì không có trong quy định đáp án của Bộ. Tuy nhiên, các em vẫn nên lưu ý để viết cho đúng, phòng trường hợp đáp án thay đổi.
Đặc biệt, thí sinh không nên để giấy trắng, hoặc bỏ bài thi không làm. Có thể, thí sinh thấy khó không làm được. Tuy nhiên, đây là một điều rất đáng tiếc. Bởi, như với đề năm nay, chỉ cần thí sinh có kỹ năng làm bài, nêu được tên tác giả, tác phẩm, nêu được vấn đề cần nghị luận, “diễn xuôi” được ý thơ là đã có điểm rồi.
Cả nước có tới 26.308 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa thể dự thi đợt 1 và sẽ được tổ chức thi đợt 2, khi dịch Covid-19 đã được khống chế.
Về đề thi đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định sẽ đảm bảo được độ khó tương đương với đề thi đợt 1. Mục tiêu của kỳ thi đợt 2 cũng giống như kỳ thi đợt 1.
"Để xây dựng đề thi cho một kỳ thi, trước hết chúng ta phải xác định mục tiêu của kỳ thi. Sau đó xây dựng cấu trúc đề thi. Từ cấu trúc sẽ phát triển trên cơ sở ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng trước đó, chúng tôi sẽ bằng biện pháp kỹ thuật để xây dựng các đề thi vừa đáp ứng mọi mục tiêu yêu cầu của kỳ thi và đảm bảo độ khó tương đương", ông Trinh nói.