Đề thi thiết kế hướng mở, thầy cô cần tôn trọng lý lẽ của học sinh
Hiện tại, các tỉnh thành đã tiến hành chấm thi tốt nghiệp THPT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, công tác coi thi đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính lịch sử khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được các địa phương hoàn tất, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra và được xã hội đánh giá tích cực. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra máy quét bài thi tại Hội đồng tthi Sở GD&ĐT Nam Định. |
Để làm nên thành công của cả Kỳ thi, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh và tạo niềm tin cho nhân dân, cần có đóng góp quan trọng của công tác chấm thi.
“Đề nghị các thầy cô bằng tinh thần trách nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc chấm thi, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, chính xác, khách quan, công bằng, phản ánh đúng chất lượng học tập của thí sinh và cung cấp dữ liệu chính xác cho tuyển sinh đại học”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc chấm thi tự luận và trắc nghiệm không phải mới đối với các địa phương nhưng năm nay Quy chế và phần mềm chấm thi có một số điểm mới nhằm tăng cường tính bảo mật, chặt chẽ, khoa học cho quy trình chấm thi, nên các địa phương không được chủ quan.
Từng cán bộ tham gia chấm thi phải nắm chắc Quy chế, quy trình tổ chức chấm thi để thực hiện chính xác, hiệu quả. Những điều này Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn chi tiết, tường minh, để các địa phương và từng cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi thuận tiện thực hiện.
Theo Quy chế, mỗi bài tự luận sẽ được 2 cán bộ chấm thi ở 2 tổ khác nhau chấm độc lập rồi thống nhất điểm lại. Thứ trưởng đề nghị đảm bảo tuyệt đối quy định chấm 2 vòng độc lập này và quy trình chấm thi, để đảm bảo điểm số của bài thi là phù hợp, chính xác.
Khi nguyên tắc này được thực hiện đúng, cùng với việc các giám khảo nắm chắc quy chế, thống nhất nhận thức, chấm đều tay, thì sự chênh lệch điểm số giữa hai giám khảo 1 và 2 sẽ không cao, thậm chí không còn khoảng cách. Khi đó, kết quả chấm sẽ là chính xác và tốt nhất.
Trong quá trình chấm thi môn tự luận, có nhiều vấn đề giáo viên muốn giữ quan điểm của mình. Tuy vậy, Thứ trưởng cho rằng, các thầy cô cần hài hòa và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh bởi đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và quan điểm riêng của người viết. Tuyệt đối không được bảo thủ và phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.
Những sai lầm thường gặp trong quá trình chấm thi, như: Chấm sót, cộng nhầm điểm… các giáo viên cần hết sức quan tâm để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng cho thí sinh.
Chấm đúng, đặt quyền lợi của thí sinh lên trên
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về công tác chấm thi, một giáo viên Ngữ văn của Hà Nội cho biết, việc chấm thi được Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, năm nay, các giám khảo chấm thi được “quán triệt tư tưởng” là chấm đúng, tránh thiệt thòi cho học sinh. Chấm “đúng” ở đây được hiểu là đặt quyền lợi của thí sinh lên trên, tránh việc giáo viên chấm quá “chặt tay”, giữ quan điểm của mình.
“Năm trước, điểm môn Văn của Hà Nội so với các tỉnh thành khác thấp hơn, đặc biệt là điểm 9 rất ít. Năm nay, các giáo viên cũng đã thảo luận và thống nhất quan điểm, đây là bài thi ở chất lượng đại trà, không phải bài thi học sinh giỏi. Vì vậy, không nên quá khắt khe”, giáo viên này nói.
Theo đúng quy chế, điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) dưới 1,0 điểm, hai cán bộ chấm thi (CBCT) sẽ thảo luận thống nhất điểm rồi ghi điểm.
Điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) từ 1,0 - 1,5 điểm, hai CBCT thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo Trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm. Nếu đối thoại không thống nhất được điểm thì Trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm và ký vào bài thi.
Nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau, trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức.
Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể.
Cô giáo Đặng Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, chấm Văn rất khó, tuy nhiên, việc lệch điểm nhiều, khoảng từ 2 - 3 giữa hai các cán bộ chấm thi là do kỹ năng chấm kém, quan điểm chấm hoặc là quá rộng (áp dụng đáp án quá linh hoạt) hoặc là quá chặt (áp dụng đáp án quá chính xác).
Thực tế, chấm thi môn Ngữ văn cần áp dụng đáp án linh hoạt nhưng phải có căn cứ. Ví dụ, chỗ nào có thể linh hoạt được, cùng nội dung này nhưng thí sinh có thể trả lời khác đi như thế nào thì cho điểm, chứ không phải “chấm vo” sẽ lệch nhiều, không thể khớp điểm được.
Cũng theo cô Liễu, để đạt được điểm 9 môn Văn là rất khó. Đó thực sự là những bài tròn trịa, xuất sắc. Nếu “phóng tay” thì mới có điểm 9 hàng loạt được.
Ví dụ, đối với điểm sáng tạo 0,5 điểm ở mỗi bài nghị luận xã hội, và nghị luận văn học. Đây là điểm dành cho những em có kỹ năng nghị luận tốt, cách diễn đạt, nhìn nhận vấn đề mới mẻ, sâu sắc. Nhưng nhiều giáo viên ở các tỉnh theo cô được biết là bài nào cũng cho điểm sáng tạo này. Bởi theo quan điểm là mỗi cá thể là một sáng tạo riêng. Việc cộng thêm 1 điểm sáng tạo, bài thi từ 8 lên 9 điểm đã là sự khác biệt rồi. Cho nên, cần có sự thống nhất về quan điểm chấm thì sẽ tránh được thiệt thòi cho thí sinh.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, một giáo viên ở tỉnh Hải Dương cho biết, năm nay, các giáo viên đi chấm thi phải thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo về phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc đeo khẩu trang suốt trong quá trình chấm thi. Cán bộ chấm thi cũng tự mang cơm đi ăn. Qua 2 buổi chấm thi thì thấy, điểm thi năm nay có phần nhích hơn so với năm ngoái, ít điểm kém hơn, do đề "nới" hơn.