Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam bị cảnh cáo do sai phạm liên quan SGK
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định 1886 thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật như: Có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong Chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới.
Ông Nguyễn Đức Thái cũng được kết luận đã mắc khuyết điểm và sai phạm khác như: thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” sang năm học thứ hai, ở các lớp 1, 2 và lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện ở lớp 3, 7 và 10.
Đáng chú ý, trong suốt thời gian qua, dư luận, phụ huynh, học sinh bức xúc về chương trình SGK mới. Thực tế, nhiều bộ SGK khi đưa vào giảng dạy đã phát hiện lỗi, “sạn” cực kỳ nghiêm trọng. Đặc biệt, trong cả ba bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) cũng nằm trong số đó. Báo cáo trả lời đại biểu Quốc hội chất vấn ngày 12/1/2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: “NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110 nghìn cuốn, đồng thời đã in lại 38 nghìn Cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Vấn đề khiến phụ huynh và dư luận phản ứng đó là giá SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình mới của tất cả các NXB đều tăng gấp 2 - 3 lần so với chương trình hiện hành. Bên cạnh nỗi lo về giá thành SGK tăng đột biến, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc sử dụng SGK hiện nay đang gây lãng phí vì gần như SGK cũ không thể tận dụng cho những năm học tiếp theo.
Giải thích cho giá SGK mới cao gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cho rằng, sách mới có “khổ to, giấy đẹp”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý mới đây nói rằng, có những vấn đề báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết như những sai sót trong cả ba bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam. Hay những bất cập trong Thông tư số 25/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục, rồi vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ GD&ĐT trong việc lựa chọn SGK để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch…Thậm chí cũng còn có câu hỏi đặt ra, liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK hay không?
Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là 1 trong 4 chuyên đề sẽ được Quốc hội giám sát trong năm 2023.
“Con hư tại mẹ”... trách nhiệm Bộ GD&ĐT thế nào?
Trao đổi với PV, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tình trạng hiện nay loạn SGK, SGK được các tác giả biên soạn không đạt đủ chất lượng, giá cao… không chỉ từ NXB Giáo dục Việt Nam mà còn ở Hội đồng thẩm định cấp quốc gia của Bộ GD&ĐT thẩm định các bộ SGK đó. Trách nhiệm ở đâu khi cho ra đời những sản phẩm không đạt chất lượng. Phải chăng đó là một hình thức hay trong đó có lợi ích nhóm giữa Hội đồng thẩm định và NXB?
“Do đó, cần có cuộc thanh tra toàn diện về các bộ SGK do Hội đồng thẩm định và NXB Giáo dục Việt Nam để tạo sự công bằng, minh bạch, hợp lý. Hiện nay, người dân phản ứng rất quyết liệt và đặt câu hỏi về lợi ích nhóm trong sản xuất, in ấn SGK, đẩy giá SGK cao lên. Đây là vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục nhiều năm nay chưa khắc phục được lỗ hổng này. Thậm chí còn có tình trạng cùng với SGK, nhiều loại sách tham khảo được in ấn, phát hành bán trong nhà trường, được giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng các trường giới thiệu bán sách với giá cao, phụ huynh sợ mất lòng nên buộc phải mua. Vấn đề này cũng cần phải làm rõ”, ông Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Hòa cũng cho rằng, cần phải thanh tra toàn diện để xử lý vấn đề còn tồn tại, đặc biệt giải quyết dứt điểm tình trạng loạn SGK. Ngành y tế đã xảy ra như vậy còn ngành giáo dục, nhiều năm nay cứ nhắc đến là có chuyện. Do đó cần thanh tra toàn diện”, ông Hòa nói.
Đồng thời, ông Hòa cho rằng, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là rất lớn. Bởi thời gian dài ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề, hết thời Bộ trưởng này đến đời Bộ trưởng khác đều có chuyện này, chuyện kia liên quan đến thi cử, SGK, trong đó vấn đề SGK nhiều năm nay chưa khắc phục được. Do đó, trách nhiệm người đứng đầu rất lớn. “Nếu đổ hết cho người đứng đầu thì rất khó, nhưng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của người đứng đầu để hạn chế thấp nhất tình trạng loạn SGK, bán SGK tràn lan, sách tham khảo cũng in tràn lan…”, đại biểu Hòa cho hay.
Trước đó, khi dư luận lùm xùm những bất thường về hoạt động kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2021, cơ quan chức năng đang thanh tra nhiều hoạt động của đơn vị này do có nhiều bất thường về hoạt động kinh doanh.
“NXB Giáo dục là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, NXB cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ. Vì vậy, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của NXB Giáo dục nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng”, Bộ trưởng Sơn nói.
Giá sách giáo khoa cao gấp 3 - 4 lần, NXB Giáo dục Việt Nam lãi khủng
NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021”. Theo đó, năm 2021 NXB Giáo dục Việt Nam phát hành 164,6 triệu bản sách giáo khoa (SGK), đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 1.828 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ phân phối SGK và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế của NXB này đạt 287,4 tỷ đồng.
“NXB có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 39,9% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản là 17,9%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả”, báo cáo nêu. 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB Giáo dục Việt Nam nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỷ đồng.
Khi chưa thực hiện thay SGK mới, năm nào NXB Giáo dục Việt Nam cũng báo cáo lỗ khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá SGK mới đã tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần.