Tranh kính tùng hạc dùng trong trang trí
Sự thịnh suy của một dòng tranh
Theo tư liệu sưu tầm được của Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa thì, tranh kính hay còn gọi là tranh kiếng, là dòng tranh ra đời đầu thế kỉ XX ở Nam Bộ. Tranh kính có một giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ nhưng lại nhanh chóng đi vào trầm lắng. Nhiều người ví sự thịnh suy của tranh kính như tuổi đời vang dội ngắn ngủi của cải lương vậy. May mắn thay, do dòng tranh này được dùng để trang trí và đem thờ trong nhiều gia đình nên hiện nay, những bức tranh kính xưa vẫn còn được lưu giữ rất nhiều.
Nghề vẽ tranh kính được truyền vào Việt Nam do những di dân người Hoa vào đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, các tiệm kính ở Chợ Lớn chỉ buôn bán các loại kính soi mặt, cắt kính lộng khuôn hình, lắp tủ kính. Những loại kính màu xanh, vàng, đỏ để gắn khung cửa chớp, cửa gió… Về sau họ còn vẽ những tấm đại tự trên kiếng thủy, chữ nhũ vàng dùng để mua tặng nhân dịp hiếu hỷ khai trương, tân gia, đám cưới, chúc thọ… và cả những bộ tranh thư họa để trang trí trong nhà.
Đến những năm đầu tiên của thập niên 20 thế kỉ trước, những người thợ làm tranh kính ở Chợ Lớn chuyển dần về Lái Thiêu – Thủ Dầu Một (Tình Bình Dương hiện nay). Nghề vẽ tranh kính Lái Thiêu khởi phát nhanh chóng, lại có sự tham gia làm nghề của đội ngũ họa sĩ được đào tạo từ Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một nên càng ngày càng có chất lượng hơn, chiếm được thị phần quan trọng khắp Nam Kỳ. Đây chính là thời kỳ tranh kính được ưa chuộng và treo ở hầu khắp các gia đình Nam Bộ.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần hai (1946), nghề làm tranh kính bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự đóng chiếm của quân Pháp. Lúc bấy giờ, hoạt động làm tranh kính gần như bị đình trệ do nguyên liệu khan hiếm, dân tình hỗn loạn, nhiều cửa tiệm, chợ búa phải đóng cửa. Từ những năm 1950 trở đi, tình hình chiến sự ở Nam Bộ tạm lắng do thực dân Pháp dồn quân chuẩn để chiếm đóng miền Bắc, đặc biệt là kế hoạch Nava. Tuy nhiên, công việc làm tranh kính không thể khôi phục lại được nữa, giờ chỉ phát tán nhỏ lẻ ở các địa phương.
Hiện nay, nghề làm tranh kính đã không còn được ưa chuộng và phát triển như xưa nữa. Thịnh rồi lại suy, chỉ phát triển mạnh mẽ trong khoảng 20 năm nhưng tranh Kính Nam Bộ đã tạo nên được một trào lưu làm tranh nghệ thuật mang màu sắc rất riêng của người dân Nam Bộ.
Tranh kính dùng để chúc tụng
Tranh kính thờ Ngũ Công Vương Phật
Nghệ thuật vẽ tranh ngược
Như trên đã nói. Dòng tranh Kinh Nam Bộ đã thất truyền, cho nên tri thức về tranh này chỉ còn tồn tại trên sách vở và các nghiên cứu của một vài nhà sưu tập tranh. Nhưng chưa ai dám chắc những tư liệu này đã đầy đủ hay chưa.
Theo tư liệu hiếm hoi do Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa cung cấp. Dòng tranh kính có nhiều chủng loại đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất… Ở đó, có loại tranh vẽ bằng sơn màu đa sắc thuần túy (thêm ngân nhũ và kim nhũ), có loại kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là loại tranh kính cẩn khảm trên xà cừ hoặc đồng.
Về kỹ thuật, tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng. Điểm độc đáo của tranh kiếng Nam bộ so với nhiều dòng tranh dân gian khác là vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó mới lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Điều này đã tạo nên nét độc đáo hiếm có của dòng tranh kiếng.
Một bức tranh kiếng hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những tấm kính đủ kích cỡ theo từng bức tranh được những người thợ chuẩn bị, sau đó phác thảo những đường nét của tranh bằng sơn đen, rồi sẽ đem phơi. Bên cạnh đó, nguyên liệu vốn được để vẽ tranh kính là màu bột pha với đồng du (dầu cây du đồng), mực tàu. Về sau người thợ vẽ dùng cả sơn tây, sơn ta, bột màu để vẽ tranh.
Khi bắt đầu vẽ thì người thợ đặt tấm kiếng trên tờ giấy mẫu vẽ ngược, rồi dùng bút lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là “tách”. Người thợ tách phải có bàn tay khéo léo để nét bút được sắc sảo. Sau khi tách xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô đã tách và tan màu từ đậm tới nhạt. Tô màu phải theo trình tự nhất định: Vật thể tiền cảnh trước, hậu cảnh sau. Cuối cùng là màu phông. Rồi tranh được đem phơi khô. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ, tô nhũ kim, hay dán giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào khuôn gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm. Chính sự trau chuốt và những vật liệu dùng để vẽ tranh, in tranh, bảo quan tranh đã tạo nên sự tinh tế và nét sang trọng trong mỗi sản phẩm nghệ thuật này.
Ngày nay, những dòng tranh kính công nghiệp, tranh kính lụa đã ra đời thay thế cho nhiều dòng tranh kính thủ công và có thời gian sản xuất nhanh gấp nhiều lần, giá thành sản phẩm cũng giảm đi ít nhiều để phù hợp với nhu cầu của người treo tranh. Kiểu dáng, kích cỡ những dòng tranh kiếng cũng được thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, dòng tranh kính thủ công đã bị mai một đi rất nhiều.
Có thể nói, với đề tài đa dạng và kiểu dáng phong phú, tranh kính đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng và nhu cầu trang trí của khắp cư dân miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Đây là dòng tranh mang đậm hơi thở của người dân nơi đây.
Tranh kính cảnh vật trang trí nội thất
Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: Tranh kính Nam Bộ gắn liền với kí ức tuổi thơ của những nghệ nhân xưa. Trong trí nhớ của những cụ ông, cụ bà ấy, vào khoảng thời gian giáp Tết, những bức tranh có ý nghĩa Phúc, Lộc, Thọ, tranh chim công (đại cát), nai (đại lộc)… thường vẽ không kịp bán cho mọi người. Thời điểm đó, những bức tranh thờ tổ tiên được ưa chuộng nhất từ các dòng tranh kiếng nổi tiếng như tranh Chợ Lớn, Lái Thiêu, Mỹ Tho, Chợ Mới, tranh kính của người Khmer…
Lăng Dương