Nhìn nhãn để lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư.

Cứ 10 ca tử vong thì có 8 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm. Trong số 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, có tới gần 60% người chưa được phát hiện bệnh, 80% chưa được quản lý điều trị. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng bệnh không lây là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống của người dân.

Người Việt đã ăn mặn lại thêm ăn ngọt

Tại hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng” do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức, ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thực phẩm, chế độ dinh dưỡng và thừa cân béo phì là một trong những nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm. Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột; 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ; 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh lý tim mạch khác. Số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy hơn ½ người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra, người Việt rất thích ăn đồ ngọt. Năm 2016 Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ lít nước ngọt, trong đó nhiều nhất là trà uống liền với hơn 2 tỷ lít, tiếp theo là đồ uống có ga (hơn 1 tỷ lít), sau đó mới đến nước uống thể thao, nước tăng lực, nước ép trái cây. Tỷ lệ người thừa cân béo phì Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số năm 2015.

Nhãn báo hiệu thực phẩm có lợi cho sức khỏe

Theo các chuyên gia, thói quen ăn uống và tiêu dùng của người Việt cần được thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra các khuyến cáo về cung cấp hệ thống tiêu chí dinh dưỡng Nutrient Profiling (NP) là cách phân loại thực phẩm khoa học dựa trên các thành phần dinh dưỡng. Với các loại thực phẩm chế biến sẵn, cần ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm có công bố về thành phần muối, tổng đường và chất béo giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Cần có quy định về hạn chế việc tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. Hiện Việt Nam mới chỉ có quy định hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa được ban hành và cập nhật năm 2017. Các quy định này mới chỉ bắt buộc ghi tên sản phẩm, xuất sứ sản phẩm, hạn sử dụng, một số thành phần dinh dưỡng bắt buộc như giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, cacbohydrat tiêu hóa được, đường tổng số, transfat… Hiện tại chưa bắt buộc các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh như một số nước trong khu vực châu Á (Thái Lan, Hồng Kông, Singapore), chưa có quy định về dán nhãn thực phẩm bao gồm công bố nhãn báo hiệu thực phẩm có lợi cho sức khỏe, quy định liên quan đến hạn chế quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh sản phẩm có nhiều muối, đường.

Nhãn hàng hóa như đèn giao thông

TS.BS Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, hiện nay việc ghi nhãn dinh dưỡng chưa được quy định rõ ràng, các doanh nghiệp ghi tự nguyện và người tiêu dùng khó nhận biết các sản phẩm phù hợp cho sức khỏe. Ghi nhãn sản phẩm là cần thiết và phải giúp người tiêu dùng biết được yếu tố nguy cơ tồn tại trong thực phẩm. Việc ghi nhãn nên liệt kê các thành phần dinh dưỡng chất béo bão hòa, chuyển hóa đường, chất xơ, vi chất…chiếm bao nhiêu phần trăm nhu cầu khuyến nghị trong ngày. Đơn giản hơn, nhãn dinh dưỡng được thiết kế như đèn giao thông có màu xanh, đỏ, vàng biểu hiện giá trị dinh dưỡng ở mức thấp, trung bình và cao, đưa ra logo công bố sản phẩm lành mạnh, sản phẩm nào đủ tiêu chuẩn được gắn nhãn health good.

Theo bà Susan  Kevork, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Nestle khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, ở Singapore hay Brunei người ta đã gắn biểu tượng, logo về sự lựa chọn tốt cho sức khỏe trên sản phẩm. Ở Anh người ta đã mã hóa theo màu sắc đối với các sản phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe. Ở Malaysia người ta gắn logo sản phẩm lành mạnh cho người tiêu dùng dễ nhận biết. 

Theo Đời sống
back to top