Gột rửa chất độc hay tự giết mình?
BS Dư Quang Châu,Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng cảm xạ – người đã có hàng chục năm nghiên cứu và hướng dẫn về nhịn ăn chữa bệnh. Ông cho biết, từ xưa đến nay vẫn luôn tồn tại hai trường phái: ủng hộ và phản bác về phép nhịn ăn. Mỗi trường phái đều có những biện chứng khoa học để chứng minh cho quan điểm của mình.
Phía phản bác cho rằng: nhịn ăn là yếu tim, dạ dày thu hẹp lại, vị toan công phá dạ dày hoặc con người chỉ nhịn ăn 5 – 7 ngày là chết ngủm rồi. Nhưng qua thời gian, với sự thực hành phép nhịn ăn chữa bệnh cũng như qua khám nghiệm tử thi người ta xác nhận rằng những lập luận, ý kiến trên chưa hẳn là đúng.
Trong hàng vạn cuộc nhịn ăn chẳng giống nhau từ vài ngày đến 60 ngày và có khi cả 90 ngày, không có cái chết nào có thể quy trách nhiệm cho nhịn ăn.
Trong những cuộc giải phẫu để khám nghiệm tử thi, người ta đều khám ra rằng, trường hợp chết trong thời gian nhịn ăn đều là hậu quả của một nội thương trầm trọng có sẵn, nên nạn nhân dù nhịn ăn hay không nhịn ăn cũng không thể sống thêm được nữa.
Đó là chưa kể phần đông những người cầu cứu đến phép nhịn ăn chữa bệnh là đến lúc cùng đường chứ không phải khi vừa vướng bệnh. Họ áp dụng phép nhịn ăn chữa bệnh khi thân thể đã tiều tụy, sức khỏe đã tàn tạ, sau khi dùng không biết bao nhiêu thuốc men, chịu bao nhiêu cuộc mổ xẻ…nên thỉnh thoảng cũng khó tránh khỏi có một vài người chết.
Ngược lại, trường phái ủng hộ cho rằng, nhịn ăn chữa bệnh là cách hữu hiệu nhất nhằm gột rửa các chất độc ra khỏi cơ thể, cân bằng âm dương, cải thiện sự tuần hoàn và hô hấp.
Sinh lực đáng lẽ phải dồn vào trong công việc tiêu hoá thức ăn nay được dành để chữa trị, bù đắp các tạng phủ, cơ quan bị suy tổn. Thần kinh hệ được thư giãn, bắp thịt thoải mái, nghỉ ngơi, các nội tạng làm việc ít đi, sinh lực con người được cải tạo, nhờ đó mà ảnh hưởng tốt đến trí não và nhận thức.
Bởi vậy, ai cũng có thể nhịn ăn, giảm béo, chữa bệnh, song không thể nhịn tuỳ tiện, mà tuyệt đối tuân theo những hướng dẫn cụ thể.
Chẳng hạn, nhịn ăn chữa ung thư là theo nguyên tắc bỏ đói khối u song không nên áp dụng bởi rất nguy hiểm. Nếu muốn thực hiện phải có một đội ngũ y tế chuyên nghiệp theo dõi chăm sóc nếu không rất dễ tử vong.
Tốt nhất chỉ nên thực hiện nhịn ăn ngắn ngày song phải theo dõi và đảm bảo theo đúng quy trình. Những người bị ốm, thân thể đang suy kiệt, người bị bệnh cấp tính, ác tính, người đang có thai, cho con bú… không được nhịn ăn.
Phân tích của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ hé mở những kỳ bí của phép nhịn ăn chữa bệnh?
Nhịn ăn khác với tuyệt thực
TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khẳng định, một người có thể nhịn ăn trong vòng 49 ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rõ việc nhịn ăn được thực hiện cụ thể như thế nào?
Một người nhịn ăn có uống nước khác với nhịn ăn không uống nước. Bên cạnh đó, nếu không ăn mà uống sữa, nước tăng lực thì thậm chí có thể nhịn ăn tới 100 ngày.
Nếu nhịn ăn 49 ngày không uống nước chắc chắn sẽ tử vong. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhịn ăn nhưng có uống nước mè đen nên hoàn toàn có thể nhịn được đến 49 ngày.
Nước mè đen cung cấp rất nhiều protein và lipit cho cơ thể. Đây là hai chất cung cấp năng lượng chính, vì vậy cơ thể sẽ duy trì được hoạt động cơ bản mà không tử vong.
Tuy nhiên, theo TS Từ Ngữ, nhịn ăn 49 ngày (tuyệt thực) là cực kỳ nguy hiểm vì có những chất dự trữ trong cơ thể rất ít, ví dụ như vitamin B1. Đây là loại vitamin rất cần cho hoạt động của tim, nếu không đủ vitamin B1 tim có thể ngừng đập. Câu chuyện nhịn ăn thời gian bao lâu hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Con người một tuần có thể nhịn ăn 1-2 bữa không ảnh hưởng tới sức khỏe. Người bị tiêu chảy nhịn ăn 1-2 ngày không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng nếu nhịn ăn trên 7 ngày/tuần sẽ khiến cơ thể thiếu rất nhiều chất dinh dưỡng.
Việc nhịn ăn cần phải tuân theo cơ chế no đói của cơ thể và đường huyết. Tuyệt đối không để đường huyết hạ sẽ rất nguy hiểm (nhất là bệnh nhân tiểu đường nhịn ăn có thể tử vong).
Việc nhịn ăn chữa bệnh cần phải tuân theo cơ chế no đói của cơ thể và đường huyết
Chúa, Phật nhịn ăn và những kỷ lục của con người
GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nhịn ăn, chữa bệnh. Từ thời xa xưa và đặc biệt trong Thế kỷ XIX – XX đã có khá nhiều thầy thuốc Đông và Tây y, sử dụng phương pháp chữa bệnh bằng nhịn ăn.
BS Dư Quang Châu cho biết, về tuyệt thực trong tôn giáo đã được thực hiện từ thuở rất xa xưa. Sự nhịn ăn hoàn toàn hay kiêng ăn một số món ăn nào đó vào những mùa được chỉ định đã được áp dụng ở Assryrie, Ba Tư, Babylon, Scythie, Hy lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa, Bắc Âu, Châu Mỹ, Châu Âu và những người da đỏ các nước Mễ Tây cơ, Ba Tây…
Các tôn giáo lớn như Ấn Độ Giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo cũng rất chú trọng đến phép nhịn ăn và sự cầu nguyện.
Theo các chuyên gia có rất nhiều dẫn chứng cụ thể về sự nhịn ăn được công bố. Báo Moscovosky Komsonmolest tại Nga công bố nhà vật lý nguyên tử trẻ tuổi Vladimir Lechkovser bị nhiều tai biến thủa nhỏ, cánh tay phải bị cưa sau tai nạn, vợ bị chết bất đắc kỳ tử, hơn nữa ông ta lại bị bệnh tê bại nặng, bắt buộc phải nằm liệt giường mà bệnh mỗi ngày một tăng.
Danh y khắp nước với đủ các thứ thuốc men và các phương pháp trị liệu tối tân đều vô hiệu. Đến ngày 9/1/1961, Vladimir quyết định nhịn đói và chỉ uống chút nước suối. Sau 2 tuần ông đi lại được, người gày nhưng ông thấy dễ chịu khỏe khoắn. Ngày thứ 40, ông biết đói trở lại và bắt đầu ăn nhẹ ngày 24/2/1961. Và từ đó ông hết bệnh..
Munishrri Misriji, một tín đồ Jain đã nhịn ăn 132 ngày để thuyết phục kêu gọi các đồng môn đoàn kết thống nhất.
Năm 1928, các báo y học ở Balê đăng tin một thiếu niên mắc bệnh thương hàn đã nhịn ăn 110 ngày.
Bác sĩ Dewey thuật chuyện hai đứa bé vì uống nước bồ tạt hư hại dạ dày, một dứa vẫn sống 75 ngày và một đứa sống hơn 3 tháng không ăn uống gì cả nhưng tinh thần vẫn sáng suốt đến phút lâm chung.
Bác sĩ Hazzaard kể chuyện một thiếu phụ mắc bệnh phì mập và sưng thận kinh niên đã nhịn ăn 60 ngày và khỏe mạnh trở lại, sinh đứa con đầu tiên sau 20 năm cưới.
Một người bệnh kinh niên khác trong khoảng 140 ngày đã nhịn ăn 118 ngày và nhờ vậy phục hồi sức khỏe.
Bác sĩ Shelton nói rằng vụ nhịn ăn lâu nhất dưới sự săn sóc đích thân của ông là 68 ngày.
Tháng 1/1931, bà A.G Walker, một nữ ca sĩ danh tiếng xứ Rhodésie đã nhịn ăn 101 ngày, mỗi ngày chỉ uống vài lít nước.
Một nghệ gia người Anh 53 tuổi ở Luân Đôn nhịn ăn dưới sự chăm sóc của John W. Armstrong đã giảm từ 86,5kg xuống còn 59,8kg sau 50 ngày và rốt cuộc cân nặng 46,2kg sau 101 ngày nhịn ăn.
“Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp sống khoẻ mạnh mà không cần ăn uống. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa chứng minh được cơ chế và mặt lợi hại của nó. Có những người áp dụng thành công, nhưng cũng không ít người tử mạng vì áp dụng phương pháp này. Vì vậy, chỉ nên giảm khẩu phần ăn”. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Giám đốc Viện Dinh Dưỡng quốc gia.
Nhật Hà
(còn nữa)