Sáp ong, phân trâu, bùn non…
Giữa trưa một ngày trời nắng ráo, trong hiên căn nhà nhỏ của mình, ông Ya Tuất cùng vợ và con gái đang tập trung làm khuôn đúc nhẫn bạc. Vợ ông, bà Ma Wel, thổi lò than đỏ bừng, rồi đặt lên đó một ống sắt dày có đáy. Ya Tuất lấy nhiều mảnh sáp ong màu vàng nhạt bỏ vào ống lồ ô, rồi đặt vào ống sắt nóng – một hình thức nấu gián tiếp.
Hơn 10 phút sáp nóng chảy, ông lấy thanh gỗ tròn nhúng vào sáp nóng, đưa lên đưa xuống cho sáp dính một lớp dày đều trên ống. Thanh gỗ được bỏ vào thau nước lạnh. Hai tay hai đầu thanh gỗ, ông vặn nhẹ tách ống sáp tròn đều ra khỏi thanh gỗ. Ông cắt từng khoanh nhỏ làm thành những mẫu nhẫn nhiều kích cỡ khác nhau.
Ya Tuất là người đúc nhẫn bạc cuối cùng của dân tộc Churu.
Công đoạn kỹ lưỡng chính là tạo hình cho vòng nhẫn và mặt nhẫn. Ya Tuất vừa giới thiệu nhiều kiểu loại tạo hình của nhẫn, vừa dùng sáp “trình diễn trực quan”. Ông tỉ mẩn từng li từng tí với những mẩu sáp, “biến hóa” nào là loại “ổ” (vòng nhỏ bao quanh hạt đính trên mặt), loại chấu (bốn chấu giữ hạt), chạm hình, khắc tên hoặc tạo cả khối theo hình “nửa trái khế” nhiều múi nhỏ xíu trông rất thích mắt… Ba khuôn đúc chụm làm một, được bà Ma Wel nhúng vào thùng phân bùn sền sệt để ở góc sân, rồi cắm phơi khô ở tường rào…
Phía bên trong nhà bếp, một lò than được thổi đỏ bừng chuẩn bị cho phần luyện và đúc. Ya Tuất cắt bạc từng mẩu bỏ vào nồi đất nhỏ, dùng kìm đặt nồi lên than cho nóng chảy. Sau khi gạt bỏ lớp muội than nổi trên bề mặt, ông khéo léo đổ bạc vào khuôn. Phần sáp bên trong khuôn bị bạc nóng đẩy ra cháy thành lửa ngọn. Chùm nhẫn ba chiếc hoàn thành và sáng óng ánh sau khi lau rửa qua bằng nước bồ kết…
“Các vật liệu phải luôn đảm bảo, đó là: bạc phải nguyên chất; sáp ong phải là của ong chúa lấy trong rừng sâu; hợp chất phân bùn phải lấy bùn non và phân trâu tơ trong khoảng 1 năm tuổi, sừng to bằng cổ tay mới có độ mịn và dẻo thích hợp; bồ kết cũng phải là bồ kết núi mới làm cho mặt bạc đẹp và sáng…” – Ya Tuất diễn giải.
Theo lời Ya Tuất, khí hậu vùng Đơn Dương phù hợp nhất với nghề đúc nhẫn bạc. Theo ông, việc làm khuôn sáp chỉ có thể diễn ra trong ngày nắng ấm, mỗi ngày kéo dài trong khoảng 2 tiếng giữa trưa. Bởi lẽ: “Nếu trời âm u, không nắng thì sáp không dẻo. Buổi sáng hay chiều cũng vậy, sáp sẽ cứng không làm khuôn được…”.
Ở Đơn Dương độ nắng giữa trưa nóng vừa phải, đủ để sáp mềm dẻo, dễ uốn nắn theo ý thích riêng. Tuy nhiên, nghề đúc nhẫn bạc cũng chỉ thực hiện trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Thời gian còn lại chỉ thỉnh thoảng mới có ngày thời tiết đủ điều kiện đúc.
Đó cũng là lý do chính mà nhiều nơi mời ông đi đúc bạc, ông chỉ nhận lời khi nắm chắc điều kiện thời tiết. Thậm chí, có một hãng kim hoàn rất nổi tiếng của Canada sang làm phim về việc đúc bạc của ông, đích thân vị giám đốc mời hai vợ chồng sang Canada trình diễn nghề một tháng, gồm cả biểu diễn trong một lễ hội lớn và cam kết sẽ trả thù lao hậu hĩ nhưng ông lắc đầu, lý do: “Phần vì vợ tôi sợ họ đưa lên máy bay ra biển đổ xuống (!), phần vì ngại xa nhà và lo sợ thời tiết tận đẩu tận đâu không đảm bảo cho độ dẻo của sáp…”.
Nhẫn tình duyên
Nhẫn bạc, người Churu gọi là srí, là vật không thể thiếu trong văn hóa truyền thống người Churu. Ya Tuất cho biết có ít nhất 8 loại nhẫn dùng trong các trường hợp khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là nhẫn dành cho đôi lứa trao nhau trong ngày cưới, làm vật thiêng giao ước trước sự chứng giám của thần thánh và dòng họ, xóm giềng.
Cầm cặp nhẫn trên tay, Ya Tuất diễn giải rằng loại có mặt gọi là srí chăr – cô dâu trao cho chú rể khi đi cưới chồng (người Churu theo mẫu hệ nên thường đi cưới chồng). Chiếc không có mặt gọi là srí mơ ta h’lắt – chú rể đeo cho cô dâu…
Cặp nhẫn tinh duyên truyền thống của người Churu.
Về mặt hình thức, dễ nhận ra rằng nhẫn bạc của nghệ nhân Ya Tuất đúc trông không mấy bóng bẩy và độ tinh xảo không quá sắc sảo. Nắm được điều này, nhiều tiệm vàng trên phố sản xuất hàng loạt loại mẫu nhẫn truyền thống của người Churu nhưng các loại nhẫn “công nghiệp” được chạm khắc tinh vi, bóng bẩy này người Churu không dùng. Họ chỉ dùng các loại nhẫn truyền thống mà nghệ nhân Ya Tuất đúc nên. Ya Ga, một già làng người Churu, nói: “Kỹ thuật đúc nhẫn theo lối truyền thống có nét chạm khắc tạo hình thô ráp trông có hồn hơn, gần với tâm hồn, sở thích của người Churu hơn!”.
Tuy nhiên, cho đến hôm nay, không chỉ riêng người dân tộc Churu dùng srí chăr và srí mơ ta h’lắt trong tình yêu hay hôn nhân. Nhiều bạn trẻ người Việt biết được sự độc đáo của nhẫn Churu đã tìm mua loại “nhẫn đôi” này làm vật chứng cho tình yêu đôi lứa. Đó là lý do một số quầy hàng lưu niệm tại các điểm du lịch tại tỉnh Lâm Đồng bày bán loại nhẫn này. Thậm chí có bạn trẻ tìm đến tận nhà Ya Tuất để đặt hàng như Võ Minh Huy – một chàng trai Sài Gòn. Huy nói biết ông Tuất đúc nhẫn bạc độc đáo nên tìm đến để đặt một cặp nhẫn “uyên ương”…
Ya Tuất được xem là nghệ nhân đúc nhẫn cuối cùng của dân tộc Churu ở tỉnh Lâm Đồng. Năm nay 48 tuổi, ông cho biết theo học nghề từ năm 15 tuổi, thầy dạy nghề cũng là ông cậu – nghệ nhân Ya Gran (mất năm 2003) ở thôn Ka Bút, cùng xã Tu Tra. Nghệ nhân Gran vốn có khá nhiều học trò, song trụ vững cho đến nay chỉ còn mỗi mình Ya Tuất.
Ông cho biết nghề mình khá đơn giản vì không nhiều công đoạn và cũng không có nhiều bí quyết. Nghề này thu nhập cũng không kém, hai vợ chồng và người con gái làm 4-5 tiếng trong ngày, mỗi người cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, cao hơn hẳn một số nghề khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có người ngoài gia đình theo học để lưu truyền nghề.
Dự án truyền nghề… thất bại
Năm 2014, tỉnh Lâm Đồng đã lập đề án đề nghị Ya Tuất truyền nghề đúc nhẫn bạc và cấp toàn bộ kinh phí cho khóa học. Đã có 12 bạn trẻ được chọn đầu tư học nghề. Trong gần một năm trời, ông cố gắng truyền đạt cho họ toàn bộ kinh nghiệm, bí quyết, từ lý thuyết lẫn ngón nghề thực hành.
Thời gian đầu, các bạn trẻ khá hào hứng học nghề, nhưng dần dà cứ “rơi rụng” dần. Chỉ có 2 bạn theo đuổi cho đến kết thúc khóa học, cũng làm nên được thành phẩm. Thế nhưng thật đáng tiếc, hai “hậu duệ” này cho đến nay cũng bỏ đi làm công việc khác.
“Để đúc được nhẫn bạc cũng không quá khó. Nhưng có lẽ công việc này cần quá nhiều sự kiên nhẫn, vừa phải khéo léo, chăm chú và thành tâm mới được bà con Churu chấp nhận. Các bạn trẻ bây giờ nhìn chung họ học nghề mà thiếu sự kiên nhẫn, dẫn đến nghề không giỏi, có lẽ vì vậy mà họ không mặn mà với nghề!” – nghệ nhân Ya Tuất nói.
“Kỹ thuật đúc nhẫn theo lối truyền thống có nét chạm khắc tạo hình thô ráp trông có hồn hơn, gần với tâm hồn, sở thích của người Churu hơn!
Già làng YA GA
Đan Như (tổng hợp)