Hỏi: Tôi đi khám bảo hiểm được cho xét nghiệm mỡ máu là Cholesterol toàn phần và Triglyceride, nhưng bác sĩ theo dõi tiểu đường cho tôi lại bảo xét nghiệm 2 thành phần là chưa đủ. Vậy xin hỏi, xét nghiệm mỡ máu cần làm những gì?
Đỗ Thị Linh (Hải Phòng)
Xét nghiệm mỡ máu - Ảnh minh họa |
Trả lời: Mỡ hay lipid là một thành phần của cơ thể con người, có thể tìm thấy trong các mô và trong máu. Mỡ có vai trò quan trọng như sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động, là nguyên liệu để tổng hợp các nội tiết tố, các enzyme hay xây dựng các tế bào...
Tuy nhiên, khi lượng mỡ quá nhiều trong máu sẽ lắng đọng ở thành mạch máu, tạo thành các mảng xơ vữa, là thủ phạm gây tắc mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não...
Vì vậy chúng ta cần xét nghiệm lipid máu để phát hiện những trường hợp có rối loạn lipid máu cần điều trị nhằm ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
Mỡ máu có 2 thành phần chủ yếu là Cholesterol và Triglyceride, trong đó Cholesterol (còn gọi là Cholesterol toàn phần, Cholesterol tổng) là thành phần mỡ máu chính lại gồm 2 loại (1) Cholesterol tỷ trọng thấp (LDL) là cholesterol xấu hay gây xơ vữa động mạch và (2) Cholesterol tỷ trọng cao (HDL) là cholesterol tốt vì ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Triglyceride cũng là loại mỡ máu có hại cho hệ tim mạch. Chính vì vậy thuật ngữ “rối loạn mỡ máu” hay được dùng để chỉ những trường hợp có tăng LDL-Cholesterol, tăng Triglyceride và/hoặc giảm HDL-Cholesterol.
Khi xét nghiệm mỡ máu, thông thường người ta sẽ cần kiểm tra cả 4 thông số là Cholesterol toàn phần, Triglyceride, HDL-C và LDL-C, trong đó mức độ quan trọng và ưu tiên thường sẽ là (1) LDL-C; (2) HDL-C; (3) Triglyceride và (4) Cholesterol toàn phần.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện và phòng khám lại chỉ làm các xét nghiệm Cholesterol toàn phần và Triglyceride, nghĩa là chỉ cho biết 2 thông số ít quan trọng, còn 2 thông số quan trọng và cần thiết thì lại bỏ sót.
Nhiều bệnh viện và phòng khám lại chỉ làm các xét nghiệm Cholesterol toàn phần và Triglyceride là bỏ sót, chưa đủ - Ảnh minh họa |
Cholesterol toàn phần cao chưa chắc đã là không tốt (khi HDL-C cao), ngược lại Cholesterol toàn phần thấp chưa chắc đã là tốt (khi HDL-C thấp).
Ở các bệnh nhân đái tháo đường, bắt buộc phải biết nồng độ LDL-C vì nó là yếu tố chính quyết định loại thuốc và liều thuốc điều trị rối loạn lipid máu.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy
(Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)