Người bệnh thận ăn kiêng nhưng phải đủ dinh dưỡng

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh suy thận mạn tính sẽ tiến triển qua 5 giai đoạn tương ứng với sự sụt giảm mức lọc cầu thận. Theo đó, các phương pháp điều trị cũng thay đổi. Dù phương pháp nào thì dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh.

Diễn tiến của suy thận

Suy thận mạn tính sẽ tiến triển suy giảm chức năng thận chậm, trong nhiều năm và không hồi phục cho đến giai đoạn cuối. Nếu người bình thường không mắc bệnh thận, sau 30 tuổi, mỗi năm theo sinh lý mức lọc cầu thận sẽ giảm trung bình 1 ml/ph/1,73m2. Đối với bệnh nhân suy thận mạn được gọi là tiến triển nhanh, mỗi năm người suy thận mạn sẽ mất ≥ 5ml/ph.

Tại các hội thảo về dinh dưỡng lâm sàng do Viện Dinh dưỡng phối hợp với các bệnh viện tổ chức, các chuyên gia cho rằng, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân suy thận là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Chế độ dinh dưỡng phải giúp bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng, giảm tải để bảo tồn chức năng thận còn lại, kiểm soát việc tạo lập chất thải từ thức ăn, hỗ trợ bệnh nhân hạn chế tình trạng chán ăn cũng như giữ cân nặng và  khối lượng cơ, cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày và kiểm soát đường huyết. Chế độ dinh dưỡng thích hợp cần được bắt đầu sớm ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thận mạn.

Ăn ít đạm, ít muối, đủ dinh dưỡng

Chế độ ăn trong điều trị bệnh thận mạn cần đáp ứng 4 nguyên tắc: Ít đạm, dùng protein quý có giá trị sinh học cao, đủ axit amin thiết yếu, tỷ lệ hấp thu cao; Dinh dưỡng giàu năng lượng, đủ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong cơ thể; Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu; Đảm bảo cân bằng nước - muối, ít toan, đủ canxi, ít phosphat.

PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, người bệnh thận nói chung và suy thận nói riêng nên nạp vào cơ thể ít chất đạm. Chỉ ăn đủ lượng đạm cần thiết ở mức tối thiểu (người bình thường 1g đạm/kg thể trọng/ngày, suy thận độ 1 là 0,8g đạm/kg thể trọng/ngày, độ 2 là 0,6g, độ 3a là 0,5g, độ 3b là 0,4g, độ 4 là 0,3-0,2g/kg thể trọng/ngày). Sử dụng các loại đạm có giá trị sinh học cao, có đủ các axit amin cơ bản như sữa, trứng, cá, thịt nạc…(đạm từ thức ăn nguồn gốc động vật). Nếu ăn nhiều chất đạm, nhất là đạm thực vật sẽ đẩy nhanh quá trình xơ hoá cầu thận và suy thận, gây tăng ure máu và toan hoá máu. Ngược lại, nếu ăn ít chất đạm sẽ gây ra hiện tượng tự tiêu đạm và ure máu vẫn cứ tăng. Nếu cần bổ sung thêm đạm chuẩn ngoài thức ăn, có thể cho uống thêm các loại axit amin như moriamin, astimin, pharmaton…

Về muối, người bệnh nên ăn giảm muối, chỉ dùng <2g , <4g hoặc  <6g muối mỗi ngày tuỳ theo mức độ của bệnh, có nghĩa là chỉ nên dùng <1g Na, <1,5g Na, hay <2,5g Na mỗi ngày ( trong 100g muối NaCl có 39,3g Na, ion Na đóng vai trò quyết định trong việc giữ nước, cân bằng áp lực thẩm thấu, trao đổi ion).

Cách ăn giảm muối hiệu quả là chọn những thực phẩm có hàm lượng natri thấp, tránh ăn những thực phẩm có hàm lượng natri cao như hải sản tươi, khô hoặc đã qua chế biến, thực phẩm có sử dụng NaCl trong chế biến, bảo quản. Các hải sản khô, đông lạnh, đóng hộp, các loại thực phẩm chế biến sẵn là những thứ có hàm lượng Na khá cao.

Người mắc bệnh thận phải kiêng khem rất nhiều nhưng nếu không ăn đủ năng lượng, sự giáng hoá (tự tiêu  huỷ) protein trong cơ thể sẽ tăng lên và ure máu cũng sẽ tăng. Chế độ ăn cần đủ calo nhưng lại phải bảo đảm ít đạm thực vật hoặc đạm có giá trị sinh học thấp có nghĩa là phải hạn chế ăn gạo, rau có nhiều đạm như rau muống, rau ngót, thay vào đó nên ăn nhiều miến dong, khoai củ có nhiều tinh bột nhưng ít chất đạm hơn. Nên ăn nhiều dầu thực vật và mỡ động vật (nếu không có cholesterol, triglycerid máu cao) để có đậm độ calo nhiều hơn bằng cách tăng cường các món xào, rán, trộn dầu dấm…Ăn nhiều đường , mật các loại quả ngọt nếu không có đái tháo đường kèm theo. Đảm bảo đạt 35-40 Kcalo/kg thể trọng/ngày.

Theo Đời sống
back to top