Cháu của bà Bạch Thị Thu Hà (52 tuổi, quê Quảng Ngãi) được Ngân hàng sữa mẹ nuôi nấng từ khi mới lọt lòng.
Sữa của bác sĩ…
Những giọt sữa đầu tiên ở ngân hàng lại chính là của những y bác sĩ đang công tác tại bệnh viện. Sau đó là của những sản phụ sinh tại đây.
Bác sĩ Lê Phương Diệu Thảo (28 tuổi, Khoa Nhi sơ sinh) có con đầu lòng gần 8 tháng tuổi mỗi ngày vẫn đều đặn hai lần lên ngân hàng vắt sữa để chia sẻ với những em bé khác. Chị nói: “Sữa tôi khá nhiều, bé ở nhà bú no vẫn còn nên tôi lên hiến tặng cho ngân hàng. Mỗi lần hiến 200ml”. Như chị tâm sự, trước đây chị chưa từng có dự định hiến sữa, nhưng hay tin NHSM sẽ đặt tại bệnh viện, và nhất là khi được đào tạo, vận động hiến sữa để giúp những em bé thiệt thòi hơn, chị càng náo nức với nghĩa cử này.
Trong căn phòng hậu sinh, những sản phụ áp đứa con còn đỏ hỏn lên ngực, một vài người cắn chặt môi khi con giằng ti mẹ mà vẫn không ra sữa. Sản phụ Lê Thị Bích Thoại (quận Thanh Khê), vừa sinh được 6 ngày, xót xa: “Vào đây mới hay nhiều bà mẹ tội nghiệp lắm, cố tới mấy sữa cũng không đủ cho con bú, cứ bất lực nhìn con khóc hoài. Tôi may mắn hơn, vì được nhiều sữa nên chia cho các mẹ. Sữa đã được các bác sĩ kiểm tra an toàn, nên tôi có thể cho trực tiếp hoặc gởi vào ngân hàng”.
“Tội nghiệp hai mẹ con nó vậy đó, nhưng cũng còn may vì có NHSM nên từ lúc lọt lòng cháu tôi chưa đói sữa mẹ bữa nào. Cứ hai tiếng các bác sĩ cho cháu uống sữa một lần. Nhìn cháu bú ngoan mà mừng ứa nước mắt”, bà Bạch Thị Thu Hà.
TS. BS. Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho hay, chỉ sau 20 ngày NHSM hoạt động, đã có hàng chục người tham gia hiến tặng sữa. Vì mới là giai đoạn đầu, nên ngân hàng tiếp nhận trong phạm vi bệnh viện để siết chặt hơn nguồn sữa cũng như quá trình vắt sữa, xét nghiệm, thanh trùng… “Những y bác sĩ là người ý thức tuyệt đối với việc hiến sữa, vì vậy họ xung phong thực hiện đầu tiên, cũng là để làm gương vận động những bà mẹ khác”, bà Hoàng nói. Việc hiến sữa có thể thực hiện ngay tại ngân hàng, hoặc hướng dẫn cho bà mẹ về vắt tại nhà rồi lưu trong bình sữa của bệnh viện, sau đó đưa về bảo quản tại NHSM.
Một bà mẹ trẻ đang được hướng dẫn vắt sữa tại Ngân hàng sữa mẹ.
“Ngân hàng sữa mẹ nuôi cháu tôi từ lúc lọt lòng”
Khi NHSM chưa có mặt tại bệnh viện, việc thiếu sữa cho những em bé mồ côi, sinh non và mang bệnh là nỗi lo lắng của cả khoa Nhi sơ sinh. Như lời BS. Hoàng nói thì trẻ trong 6 tháng đầu không bú sữa mẹ có nguy cơ tử vong gấp 14 lần so với những trẻ được bú sữa mẹ. Đó là chưa kể những trẻ mang các bệnh về đường ruột, nhiễm trùng… thiếu sữa mẹ thì càng khó điều trị hơn. Gần một tháng nay, khi NHSM mở cửa đón những dòng sữa ngọt lành ngay tại bệnh viện, nỗi băn khoăn, trăn trở, lo lắng ấy của cả khoa như được lắng xuống. Mỗi ngày hàng chục bệnh nhi không phải uống sữa bột để chiến đấu trước lằn ranh còn, mất.
Ở căn phòng điều trị tại Khoa Nhi sơ sinh, nơi những em bé yếu ớt chỉ nặng chừng 2kg nằm trên những chiếc giường nhỏ xíu vây quanh là máy móc, nữ điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm đi từng giường một kiểm tra việc bú sữa của các bé. Dẫn chúng tôi tới giường của một bé nằm góc phòng, chị Tâm bảo em bé này từ ngày sinh ra đã được NHSM nuôi sống.
Em bé may mắn ấy chào đời khi mới 34 tuần tuổi, con của sản phụ Huỳnh Bạch Xuân Giang (28 tuổi, quê Quảng Ngãi). Từ lúc sinh, chị Giang và con nằm hai khu điều trị khác nhau trong bệnh viện. Không được ôm ấp và cho con dòng sữa nóng khiến chị càng khủng hoảng hơn. Bà Bạch Thị Thu Hà, mẹ chị Giang, sụt sùi: “Tội nghiệp hai mẹ con nó vậy đó, nhưng cũng còn may vì có NHSM nên từ lúc lọt lòng cháu tôi chưa đói sữa mẹ bữa nào. Cứ hai tiếng các bác sĩ cho cháu uống sữa một lần. Nhìn cháu bú ngoan mà mừng ứa nước mắt”.
Ở giường cạnh bên, ông bố trẻ Lê Văn Cường (24 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) gật dạ liên tục khi nghe bác sĩ hướng dẫn về cách nhận sữa từ ngân hàng cho bé. Vợ anh Cường cũng sinh non, con vừa được 8 ngày tuổi. Chị nhà sau sinh đã ra viện nên ngày hai lượt anh phải về nhà lấy sữa vợ vắt sẵn mang lên cho con. Lúc vợ hết sữa hoặc con háu ăn, anh được ngân hàng hỗ trợ để bé không bị đói.
Nhờ ngân hàng, mà cháu bà Hà, con anh Cường cùng gần 30 trẻ khác đang nằm tại bệnh viện đã được hỗ trợ sữa mẹ đầy đủ. Có bé dùng sữa của ngân hàng 100% từ lúc chào đời, có bé được hỗ trợ một phần những khi mẹ tắc sữa. Theo như lãnh đạo của bệnh viện kỳ vọng, NHSM đầu tiên này sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh cho khoảng 3.000-4.000 trẻ mỗi năm.
Sữa tiếp nhận sau quy trình sàng lọc, xét nghiệm, thanh trùng sẽ được bảo quản an toàn tuyệt đối trong phòng lưu trữ.
Lan tỏa tinh thần nuôi con bằng sữa mẹ
NHSM đặt tại tầng hai trung tâm của bệnh viện với các phòng vắt sữa, phòng thanh trùng, tủ vô trùng… được bố trí khoa học, hiện đại và hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Tại đây, những bà mẹ trẻ sau khi được tư vấn kích sữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ được khuyến khích tự nguyện góp sữa cho ngân hàng. Và để được hiến sữa, họ phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc khám sàng lọc bệnh lý, kỹ năng vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh bình sữa, máy hút sữa…
Lượng sữa ngân hàng nhận được cũng trải qua các quy trình sàng lọc, xét nghiệm trước và sau thanh trùng, các quy trình trữ đông (-24 độ) và rã đông tự nhiên, điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng. NHSM cũng đặt ra những điều kiện khá khắt khe khi cho sữa. Trước là ưu tiên những trẻ có nguy cơ cao như nhẹ cân, thiếu tháng, bệnh lý hoặc mồ côi mẹ. Sau đó, những bà mẹ tới xin sữa phải trình bày lý do thật đặc biệt ngân hàng mới cân nhắc cho hay không.
BS. Trần Thị Hoàng, kể: “Có trường hợp đi xin sữa do lười vắt, lười dự trữ hoặc những lý do tế nhị nào đấy mà họ không chịu cho con bú sữa. Những trường hợp ấy chúng tôi đều khuyến khích phải tự cho con bú và hướng dẫn dự trữ. Không thể ỷ lại vào ngân hàng mà bỏ quên việc cho con bú sữa của chính mình”, BS Hoàng thẳng thắn.
Ngoài sứ mệnh là đầu mối nhận – trao sữa, NHSM còn là nơi tư vấn cho những bà mẹ về ý nghĩa, lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời điều chỉnh xu thế chạy theo sữa bột, sữa ngoại.
“Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ. Hy vọng với ngân hàng sữa mẹ đầu tiên này các trẻ em của thành phố Đà Nẵng sẽ được tiếp cận với sữa mẹ an toàn, bất kể trẻ được sinh ra trong tình huống nào. Đây cũng sẽ là cơ sở để Bộ Y tế xem xét có thể mở rộng triển khai trên cả nước”, BS. Trần Văn Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), khẳng định.
Hoàng Bách (tổng hợp)