Hình minh họa.
Về quê, sang thăm một cụ trong họ bị ốm. Ngoài 90 tuổi, bị tai biến liệt nửa người, cụ chẳng còn biết gì nữa. Cứ nằm ngủ lơ mơ, thỉnh thoảng đau mỏi lại rên: Mẹ ơi đau quá!
Đứa trẻ bị đau, nó kêu mẹ là điều bình thường, vì với nó mẹ là người gần gũi nhất. Nó sốt mẹ ngồi bên đắp khăn ướt lên trán, mua thuốc cho uống, nấu cháo cho nó ăn. Nó đau bụng, bàn tay mẹ xoa, thế là khỏi. Bị bạn bè bắt nạt, chạy về mách, mẹ sẽ ôm vào lòng an ủi, mọi nỗi buồn sẽ tan đi.
Từ bé đã quen như thế, đến khi lớn lên vẫn quen lúc nào khó khăn, đau khổ, thất bại trong cuộc sống, tìm về nơi yên lành nhất, đó là vòng tay mẹ.
Nhưng nghe một cụ già gọi mẹ ơi, thật thương và cũng thật lạ. Tại sao cụ không gọi ông ơi (cụ ông đang ngồi gần đấy), cũng không gọi con ơi (các con người ở xa nhất là trong Buôn Ma Thuột cũng đã ra đây chăm cụ). Mà lại gọi mẹ ơi, trong khi mẹ cụ chắc chắn đã mất mấy chục năm nay rồi.
Không biết người ta kêu thế theo bản năng, theo thói quen giống như có người hay than Trời ơi vậy. Hay là trong sâu thẳm mỗi tâm hồn, mẹ luôn là người che chở, bảo vệ ta, xóa đi mọi nỗi đau đớn hay lo lắng.
Hồi chưa có gia đình, không thể nghĩ mình làm sao lo được cho những đứa con. Bởi từ bé, mọi thứ đã quen có mẹ. Từ lúc ốm đau, mệt mỏi đến những công to việc lớn như mua nhà, trả nợ…đều một tay mẹ lo. Mẹ chẳng bao giờ phải hỏi con muốn gì, mà luôn biết phải làm gì.
Rồi đến khi có con, cứ nhớ những gì mẹ đã làm với mình để làm cho con. Cái gì không biết thì hỏi mẹ. Với đứa con mình là người lo lắng, che chở cho nó. Vợ chồng cũng là người để mình nương tựa vào.
Nhưng thực sự chỉ có mẹ mới là người che chở cho mình. Dù mẹ có già, có yếu, ta có phải chăm sóc mẹ như chăm sóc một đứa trẻ nhỏ, thì mẹ mãi vẫn là một chỗ để ta dựa vào những lúc mỏi mệt.
Mẹ – từ một người mẹ rất cụ thể, rất gần gũi, thân thương, rất riêng của mỗi người. Đã trở thành một khái niệm chung cho sự chở che, bao bọc, cho tình thương yêu vô bờ bến, vô điều kiện.
Dù vẫn có những người mẹ vì lý do nào đó mà bỏ con. Không hiểu những người bị mẹ bỏ rơi, lúc ốm đau, khổ sở họ có gọi mẹ không?
Minh Anh