Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cá chứa các axit amin cần thiết như lysin, tirozin, tryptophan, systin, methionin cao hơn thịt và dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn so với thịt, vì vậy cá tốt cho tất cả mọi người, kể cả trẻ đang tuổi đi học. Ngoài ra, phosphatid có trong cá còn tham gia tích cực vào quá trình chuyển hóa mỡ, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình bài xuất cholesterol ra khỏi cơ thể. Trong thịt cá có nhiều vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin D, vitamin nhóm B (B1, B2, B12)… và một số vi chất đồng, coban, kẽm, iốt. Trong cá còn có chất DHA đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh, giúp trẻ tỉnh táo khi học.
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, cá có giá trị dinh dưỡng cao. Hàm lượng protein trong cá dao động từ 16-17%, cá có đủ các axit amin cần thiết, nhiều lysin. Lượng lipid trong cá có từ 0,3-30,8%, có nhiều các axit béo chưa no cần thiết. Lượng glucid ở cá không đáng kể chỉ chiếm 1%. Lượng nước dao động từ 55-83%, có nhiều chất khoáng và vitamin hơn thịt, đặc biệt là vitamin A, D và B12. Tổ chức liên kết của cá lỏng lẻo nên dễ tiêu hóa và hấp thu hơn thịt. Khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng tùy thuộc vào loại cá và cách chế biến. Cá béo khó tiêu hóa và hấp thu hơn cá nạc, cá muối làm giảm mức đồng hóa. Thành phần dinh dưỡng có trong 100g cá như sau:
Protid: Trung bình (từ 15- 24g cho 100g). So với thịt, cá có nhiều myoalbumin hơn, ít collagen hơn và một lượng đáng kể chất nitrogen không proteic như ure, ammoniac, tạo mùi đặc biệt của cá.
Lipid: Trung bình (từ 0,5- 20g cho 100g cá). Hàm lượng chất béo ở cá thay đổi và người ta phân biệt:
- Cá lạt: Là nhóm cá từ 0,5- 2% chất béo như cá bơn, cá lưỡi trâu, cá lóc, cá bông, cá trê.
- Cá ít béo: 2- 8% chất béo như cá chình, cá trích, cá thu, cá bạc má, cá nục, cá ngừ.
- Cá béo: Hơn 8% chất béo như lươn, cá basa, cá mòi, cá hồi.
Muối khoáng: Cá giàu photpho, nghèo canxi. Tỷ số Ca/P tốt hơn ở thịt. Cá không giàu canxi, những loại cá nhỏ như cá cơm, cá linh, cá bống con nên ăn luôn xương. Khi ăn cá nên ăn kèm với rau sống để canxi dễ dàng hấp thu. Cá biển có lượng iod cao, giàu canxi (300 mg), clo và natri. Cá biển không chứa nhiều natri hơn cá nước ngọt. Nói chung, cá cung cấp cho cơ thể một lượng đáng kể flo, đồng, kẽm, iod, coban, sắt...
Theo các chuyên gia, nên khuyến khích cho trẻ ăn cá hợp lý. Với người lớn có thói quen ăn thịt vẫn cần ăn cá để có omega. Nên ăn 2-3 bữa cá mỗi tuần, thỉnh thoảng ăn cá nhỏ kho nhừ cả xương. Ăn cá thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sau này, bên cạnh đó, cá cũng được cho là thực phẩm giúp ngăn ngừa ung thư thận và các bệnh sinh ra bởi những thiếu hụt các chất dinh dưỡng của cơ thể.
Hương Lan