Mỹ phẩm chứa chất độc không ít
Đọc thông tin trên một số tờ báo về cô gái 17 tuổi ở Trung Quốc bị ung thư gan do dùng mỹ phẩm từ nhỏ, PGS.TS Phạm Văn Nho, phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội bày tỏ sự lo lắng. Ông cho biết, gan thận là 2 cơ quan chính xử lý các độc tố nhiễm vào cơ thể. Khi thường xuyên tiếp xúc với độc tố thì chính các cơ quan này có thể bị nhiễm bệnh. Nhẹ thì suy giảm chức năng gây rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, gút, mỡ máu… nặng thì ung thư.
Nhưng trừ các trường hợp bị dị ứng, nhiễm độc cấp tính phải xử lý y tế, còn lại hầu như không ai để ý và cơ thể cứ thế bị nhiễm độc từ từ cho đến khi phát bệnh. “Độc tố trong mỹ phẩm có rất nhiều. Gần như mỹ phẩm nào cũng có, dù ít hay nhiều.
Ví dụ như hóa chất có tính tẩy rửa SLS là chất hoạt động bề mặt có trong phần lớn sản phẩm xà phòng, sữa tắm, sữa rửa mặt, thậm chí là kem đánh răng. Paraben gây ưng thư, hay các chất kháng khuẩn. Đặc biệt là các loại kem trang điểm trắng da, chống nắng, dưỡng da, giữ ẩm hay son môi, vuốt mi… đều có khả năng cao chứa chất độc hại”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Do đó, theo PGS.TS Phạm Văn Nho, mỹ phẩm như con dao hai lưỡi. Nhiều người dùng mỹ phẩm quá nhiều, làm cho da mặt bị sần sùi hết lên. Tác hại tiềm ẩn là hóa chất ngấm vào gan, thận, gây ra “cái chết từ từ”. Các nhà sản xuất vì lợi nhuận, còn người dùng thì mong muốn dùng hàng giá rẻ.
Thậm chí có những cô gái mù quáng đi dùng kem bóc da làm trắng cực kỳ độc hại. Hóa chất ngấm vào thận có thể dẫn đến vô sinh. Do đó, sử dụng mỹ phẩm cũng đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định. Nếu không, những rủi ro tiềm ẩn phải đối mặt là rất khó lường.
Đừng tin mỹ phẩm thiên nhiên
Nếu như hóa chất gây độc hại cho con người thì mỹ phẩm thiên nhiên có thực sự an toàn? Tôi đặt câu hỏi này với PGS.TS Phạm Văn Nho, ông cười bảo: “Lá ngón cũng có nguồn gốc thiên nhiên mà ăn vào lại chết đấy thôi. Mọi thứ vật chất đều có nguồn gốc thiên nhiên mà ra cả, vấn đề đó là chất gì?
Không nên đánh tráo khái niệm thiên nhiên vì trong thiên nhiên cũng rất nhiều thứ độc hại. Chắc chắn không có loại mỹ phẩm nào hoàn toàn từ thiên nhiên, không chứa bất kỳ chất hóa học nào. Và nếu chỉ là từ thiên nhiên không thôi thì có lẽ nó không có tác dụng gì.
Do đó, khi người ta quảng cáo mỹ phẩm từ thiên nhiên thì phải xem thành phần sản phẩm là gì. Chỉ cần nhìn vào thành phần là biết được nó có an toàn cho da không”.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, tình trạng quảng cáo mỹ phẩm quá đà đến bịp bợm hiện khá phổ biến. Có những mỹ phẩm quảng cáo trắng da ngay lập tức, thậm chí còn thách thức ai phát hiện ra chất độc thưởng ngay 10 triệu đồng. Đây đều là những trò bịp, người tiêu dùng kém hiểu biết thì sẽ bị mắc lừa.
Để có làn da sáng đẹp, cách an toàn nhất là dùng các phương ph áp tự nhiên như tắm rửa thường xuyên. Khi rửa mặt, nên để lại một lớp nước bám trên da để dưỡng ẩm. Không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Chọn một số thực phẩm nhiều vitamin và chất khoáng cung cấp dưỡng chất cho làn da. Và quan trọng nhất là đừng mù quáng tin vào mỹ phẩm.
“Kể cả mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay cũng không đáng tin. Rất nhiều sản phẩm xách tay thực ra được sản xuất chui ở một cơ sở nào đó trong nước. Người tiêu dùng cần thông thái trong sử dụng mỹ phẩm. Nếu dùng mỹ phẩm làm đẹp thì nên dùng mỹ phẩm có thương hiệu, đừng ham mỹ phẩm giá rẻ”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
“Có một dấu hiệu nhận biết mỹ phẩm chính hãng không là quan sát cơ chế bảo hiểm, tem bảo hiểm trên sản phẩm. Mở nắp mỹ phẩm, bao giờ cũng phải có một lớp tem/màng nhôm. Nếu mở nắp ra mà dùng được ngay thì nhiều khả năng đó là mỹ phẩm kém chất lượng”, PGS.TS Phạm Văn Nho.
Bảo Khánh