“Từ một lọ kem dưỡng da mặt duy nhất, bà đã tạo nên một đế chế hùng mạnh với 62 loại kem, 78 loại phấn, 46 mùi nước hoa, 69 loại kem dưỡng thể và 150 các loại son môi, xà phòng thơm, phấn hồng, và phấn mắt.”
Người đàn bà thành đạt…
Trong suốt những năm đầu tiên của thế kỉ 20, make-up (trang điểm) bắt đầu trở thành xu hướng làm đẹp không thể thiếu cho phụ nữ ở Mỹ và các nước châu Âu, do những ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ngôi sao giải trí Hollywood, những vở nhạc kịch hoành tráng và các nghệ sĩ múa ba-lê.
“Ngày của sắc đẹp” tại salon Helena Rubinstein.
Helena Rubinstein, bên cạnh Max Factor và Elizabeth Arden, là một trong những người đi đầu trong sự phát triển của nghệ thuật làm đẹp nói chung và mỹ phẩm nói riêng, được biết đến như bà “phù thủy” của làng mỹ phẩm, giúp cho ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển trên toàn thế giới. Sinh ra tại Ba Lan năm 1871, là người Do Thái, Helena Rubinstein chuyển đến nước Anh sinh sống năm 20 tuổi và bắt đầu việc kinh doanh mỹ phẩm của bà chỉ với một sản phẩm duy nhất: một lọ kem dưỡng da mặt đơn giản.
Với câu nói bất hủ “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ lười”, Helena Rubinstein nổi tiếng là người làm việc chăm chỉ và đầy hoài bão. Câu chuyện kể rằng, bà dành 18 tiếng hàng ngày cho công việc, thức dậy lúc 4 giờ sáng bất kể mùa đông hay mùa hè, tham gia tất cả các cuộc họp với nhân viên của công ty, đi bộ vài tiếng trong công viên, sau đó đi thăm tất cả các cửa hàng kinh doanh mang tên bà trong thành phố, và chỉ dừng làm việc lúc nửa đêm.
Kể cả khi đế chế mỹ phẩm Helena Rubinstein đã trở nên hùng mạnh, bà vẫn giữ thói quen đi lại giữa các nước để kiểm soát chuỗi cửa hàng của mình. Bà chẳng bao giờ nghĩ đến việc nghỉ ngơi, thậm chí bà vẫn đến văn phòng làm việc, chỉ hai ngày trước khi bà qua đời. Có lẽ vì thế mà những năm đầu thế kỉ, khi phụ nữ hầu như chưa có cơ hội để phát triển sự nghiệp, thì Helena đã tạo dựng được cho mình một cơ ngơi khổng lồ trải dài từ Melbourne đến London, từ Paris cho đến New York, chỉ với việc kinh doanh mỹ phẩm. Malcom Gladwell, trong một bài viết về Helena Rubinstein cho tờ The New Yorker thống kê: “Từ một lọ kem dưỡng da mặt duy nhất, bà đã tạo nên một đế chế hùng mạnh với 62 loại kem, 78 loại phấn, 46 mùi nước hoa, 69 loại kem dưỡng thể và 150 các loại son môi, xà phòng thơm, phấn hồng, và phấn mắt.”
Kem dưỡng da có lẽ là sản phẩm nổi tiếng nhất, cũng là sản phẩm đầu tiên tạo nên thương hiệu Helena Rubinstein. Dựa trên thực tế của việc phụ nữ Úc thường có làn da bị cháy nắng, ửng đỏ và thô ráp, bà đã cho sản xuất một loại kem bôi mặt, bán chủ yếu trong salon đầu tiên của bà tại Melbourne vào năm 1902, với tên gọi rất Pháp “Crème Valaze”. Ít ai biết rằng, tên gọi của sản phẩm kem bôi mặt đầu tiên mà Helena Rubinstein sản xuất là sự tri ân của bà đối với những phụ nữ Pháp, bởi theo bà, họ trân trọng việc làm đẹp hơn phụ nữ Úc gấp nhiều lần.
Crème Valaze được tạo nên từ sự kết hợp của mỡ lông cừu (lanolin) và rất nhiều loại thảo mộc chỉ mọc trên dãy Carpathian, vùng Đông Âu, có tác dụng chống lão hóa. Crème Valaze mang đến cho Helena Rubinstein rất nhiều lợi nhuận, mở đường cho những thành công sau này.
Poster quảng cáo Valaze.
Đến London, Helena Rubinstein biết rằng để chinh phục những người Anh sành điệu, bà cần một địa điểm đẹp để mở salon và trang trí nó một cách xa xỉ. từ đó, “Maison de Beaute Velaze” ra đời! tên tuổi của helena càng ngày càng nổi tiếng, đặc biệt khi bà là người đầu tiên đưa sắc tố vào phấn nền và phấn phủ khi nhận ra sự khác biệt của mỗi loại da. Bà cũng là người tiên phong trong việc sử dụng tơ tự nhiên trong mỹ phẩm.
Có lẽ sẽ không ngoa khi cho rằng Helena Rubinstein là một trong những người phụ nữ kinh doanh thành đạt nhất thế kỉ 20, khi bà mở rộng thị trường mỹ phẩm của mình tới cả Paris và New York. Không ai quên câu nói bất hủ của Helena khi bà đặt chân lên nước Mỹ: “Phụ nữ Mỹ có những cái mũi tím tím, những đôi môi thâm sì và da mặt thì trắng xóa như phấn viết bảng vì mỹ phẩm rẻ tiền.
Tôi nghĩ nước Mỹ chính là nơi tôi sẽ làm nên sự nghiệp.” Không lâu sau đó, bà nổi tiếng trên toàn nước Mỹ, cạnh tranh khốc liệt với Elizabeth Aden, để trở thành nữ hoàng mỹ phẩm. Cuộc chiến giữa Helena Rubinstein và Elizabeth Aden trở thành câu chuyện thú vị và nổi tiếng, tưởng chừng không bao giờ kết thúc cho mãi đến khi cả hai qua đời. Chỉ cách nhau 1 năm. Và cùng là một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới!
Có lẽ, người có công lớn nhất trong việc mở rộng ngành công nghiệp mỹ phẩm, từ châu Âu, đến Mỹ và trên toàn thế giới chính là Helena Rubinstein.
Thử thách lớn nhất trong suốt cuộc đời bà là cuộc chiến chống lại thời gian để duy trì và bảo vệ sắc đẹp, là sự sáng tạo không ngừng nghỉ để hoàn thiện những sản phẩm làm đẹp. Lịch sử ghi nhận rằng, Helena Rubinstein nổi tiếng không chỉ bởi bà đã tạo ra vô số sản phẩm làm đẹp mà còn là người đầu tiên nhận thức được sự đa dạng của các loại da và không thể dùng chung một loại mỹ phẩm cho tất cả mọi người (1910).
Helena và đối thủ Elizabeth Arden (trái).
Bà là người đầu tiên tạo ra sản phẩm mascara không trôi vào năm 1939. Mascara lúc đầu tồn tại dưới hình dạng như một chiếc bánh. Phụ nữ phải dùng một chiếc bàn chải, làm ướt, quét lên “chiếc bánh mascara” và sau đó phủ lên lớp lông mi của họ.
Cho đến năm 1957, khi Helena Rubinstein giới thiệu một hình thức sử dụng mascara mới. Giống như một cuộc cách mạng về sản phẩm, những chiếc mascara đầu tiên của Helena có hình dáng giống với những chiếc mascara thông thường ngày nay, dạng ống và bên trong có chổi quét. Phát minh này khiến cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới vui mừng, làm cho quá trình chải mascara thuận tiện, dễ dàng và lông mi đẹp hơn. Helena Rubinstein cũng là người đầu tiên giới thiệu son môi dạng thỏi.
Có tiền và quyền lực, nhưng cuộc đời bà vẫn là một bản nhạc nhiều thăng trầm, như bất cứ người đàn bà nào khác.
Bà gặp và yêu nhà báo người Mỹ Edward William Titus – điều mà bà chưa bao giờ nghĩ tới, bởi quá bận rộn với lịch làm việc đặc kín của mình. Khi Edward ngỏ lời cầu hôn, bà nói rằng bà yêu ông, nhưng trước hết bà muốn… mở một salon ở London. Edward lại kiên trì tới tận London để cầu hôn lần thứ hai, và lần này thì bà đồng ý.
Lễ cưới riêng tư được tổ chức vào năm 1908, lúc này bà 38 tuổi. Sau này, Titus vẫn làm công việc viết báo, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các lời khuyên, cũng như tham gia vào các chiến dịch truyền thông cho Helena.
Dĩ nhiên, bà cưới Edward vì yêu và muốn gắn bó với ông, nhưng có lẽ phải tới khi mang thai đứa con đầu tiên, bà mới nhận ra rằng cuộc sống riêng, xét cho cùng, mới là điều quan trọng nhất. Bà xây dựng cho mình một nơi gọi là “ngôi nhà thực sự với một khu vườn”, và trải qua những năm tháng mật ngọt của tình yêu. Tiếc rằng quãng thời gian ngọt ngào này không kéo dài. Bà sinh hai con trai năm 1909 và 1912, và tới khi cậu con trai thứ 2 được 2 tuổi, bà trở lại với công việc.
Giai đoạn này lại đánh dấu những bước tiến mới, khi Helena nhận ra rằng phụ nữ Paris rất hứng thú với các phát minh về trang điểm của bà. Khi thế chiến I trở nên cam go, bà cùng gia đình chuyển sang sinh sống ở Mỹ, và đó tất nhiên cũng là một lý do để Helena Rubinstein mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình.
…Cuối cùng vẫn chỉ là đàn bà.
Helena nhanh chóng lấy lại đam mê, có lẽ là chưa bao giờ nguội tắt, với công việc. Bà gửi hai đứa con vào trường nội trú, dù chồng ra sức phản đối, rồi lao vào làm việc ngày đêm như vẫn thường thấy. Tới một ngày, Edward tìm gặp Helena chỉ để nói một điều ngắn gọn: Ông đã yêu một người phụ nữ trẻ hơn. Helena, choáng váng với sự thật, lập tức bán đi một phần doanh nghiệp đang thời kỳ lớn mạnh cho anh em nhà Lehman, để dành thời gian chiếm lại tình cảm của Edward. Bà muốn ông thấy với bà gia đình vẫn là quan trọng nhất. Nhưng tất cả đã quá muộn!
Cùng lúc đó, sau rất nhiều xáo trộn thị trường, Helena đã giành lại quyền kiểm soát doanh nghiệp của mình từ tay anh em nhà Lehman, chỉ bằng một phần nhỏ so với cái giá mà ngày trước anh em họ đã phải trả cho bà. Nhưng không biết, cái giá nào mới gọi là đắt.
Helena trong thời gian này liên tiếp mất đi cha và mẹ mình, và đau đớn là bà đều không kịp nhìn mặt họ lần cuối. Để vượt qua khủng hoảng tâm lý, nghe theo lời khuyên của một người bạn, bà dành cho mình một kỳ nghỉ dài tới Thụy Sĩ, tham gia một khóa trị liệu giảm cân với tiến sĩ Bircher-Benner. Bà trở lại Mỹ, nhẹ hơn 10 pound (4,5kg), và tràn đầy năng lượng. Bà mở ra các “ngày của sắc đẹp” trong các salon của mình, và nó nhanh chóng trở thành trào lưu trên khắp thế giới.
Năm 1935, tại một bữa tiệc tổ chức ở nhà riêng của con gái Jeanne Lanvin (người đàn bà quyền lực khác đã được Câu Chuyện Làm Đẹp nhắc tới trong số trước), bà gặp một người đàn ông Gruzia tên là Artchil Gourielli-Tchkonia, và kết hôn 3 năm sau đó. Lúc này, bà đã hơn 60 tuổi.
Trong suốt những năm thế chiến 2, gia đình bà thường sống ở New York vào mùa đông và ở châu Âu vào mùa hè. Nhiều người cho rằng trong thời kỳ khó khăn, giữa những chết chóc và đói khát, sẽ chẳng ai còn nghĩ tới việc làm đẹp, và nền công nghiệp làm đẹp cũng như sản nghiệp của bà chẳng mấy chốc sẽ đi tong.
Nhưng bà lại cho rằng, càng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, phụ nữ càng cần tìm thấy niềm vui và niềm an ủi ở những điều rất-đàn-bà như mỹ phẩm. Bà kể, chính tổng thống Franklin Roosevelt đã có lần nói với bà: “Nhiệm vụ của bà là giúp giữ nhuệ khí cho những người phụ nữ của chúng ta. Và bà đã làm điều đó một cách xuất sắc.” Cuộc hôn nhân thứ 2 của bà diễn ra êm đềm tới năm 1956, khi ông Gourielli Tchkonia qua đời.
Trong những năm cô đơn sau này, bà tìm thấy niềm vui ở nghệ thuật. Bà có một bộ sưu tập đồ sộ những tác phẩm nghệ thuật bao gồm tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ nổi tiếng từ châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và nhiều món đồ cổ của người Ai Cập cổ đại.
Người ta còn ví von bà mua nghệ thuật bằng những chuyến xe tải. Người ta cũng nói rằng bà sở hữu “những tác phẩm không quan trọng của tất cả những tác giả quan trọng nhất của thế kỷ 19 và 20”. Chỉ trong một căn phòng nhỏ của căn hộ ở Park Avenue, có thể bắt gặp 7 bức tranh của Renoir treo phía trên lò sưởi.
Bộ sưu tập trang sức huyền thoại của bà được cất trong một chiếc tủ riêng, phân loại theo bảng chữ cái. “A” là thạch anh tím (Amethyst), “B” là ngọc bích (Beryl), “D” là kim cương (Diamond). Brandon, tác giả cuốn sách “Ugly Beauty” đã viết: “Căn phòng của Rubinstein ở New York, cũng giống như bất cứ thứ gì khác của bà, trông chẳng có gu nhưng mang đầy cảm giác hưởng thụ.
Nó chưng ra một cái thảm xanh được thiết kế bởi Miró, một chiếc ghế bành kiểu Victoria được bọc vải màu tím và đỏ tươi, một cái bàn khảm sứ Trung Hoa, cái đèn bằng vàng ròng của Thổ Nhĩ Kỳ, những bức tượng điêu khắc kiểu các vùng đảo Phương Đông kích thước như thật, 6 cái lộc bình xanh, mặt nạ châu Phi treo xung quanh lò sưởi, và tranh vẽ treo không chừa một chỗ trống nào trên tường.”
Bà cũng tìm thấy một niềm vui khác, đó là… chàng trai kém bà tới nửa thế kỷ. Bà đưa anh ta đi cùng tới mọi nơi, kể cả tới bữa ăn riêng với thủ tướng Israel David Bengurion. Ông hỏi bà: “gã ngoại đạo của bà là ai vậy?” (nguyên văn: “Who’s your goy?”. “goy” là từ mà người Do Thái dùng để chỉ những kẻ ngoại đạo, đồng thời phát âm gần giống từ “guy”). Bà trả lời: “Cậu ấy là Patrick! Và… và, ừ, là gã ngoại đạo của tôi”.
Có một vài điều đặc biệt về Helena Rubinstein là bà chỉ cao 1m47, và bà thường phục sức với vẻ rất “kịch tính”. Khi nói chuyện, bà thường kết hợp một cách kì quặc giữa tiếng Ba Lan, tiếng Đức cổ của người Do Thái vùng Đông Âu (Yiddish), tiếng Pháp và tiếng Anh.
Helena Rubinstein bắt mọi người phải dùng “Madame” khi gọi tên bà. Mặc dù rất giàu có, nhưng bà mang đồ ăn trưa đến văn phòng hàng ngày để tiết kiệm tiền. 20 năm sau ngày bà qua đời, đế chế mỹ phẩm Helena Rubinstein đã được bán cho một hãng mỹ phẩm Pháp, L’Oreal.
Theo Kiến thức