Sách giáo khoa chỉ là tài liệu
Tại các phiên thảo luận tại Hội trường về vấn đề sách giáo khoa, một số đại biểu đã nêu ý kiến cho rằng, cần phải thu hồi sách giáo khoa có lỗi. Vì không thể để học sinh học sản phẩm có lỗi và đẩy cái khó sang cho giáo viên.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phản biện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình. Theo đó, sách giáo khoa là tài liệu thể hiện chương trình.
Đợt đổi mới lần này là đổi mới căn bản từ chương trình, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp... theo chủ trương của Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa.
Theo ông Nhạ, có chương trình tổng thể, chương trình các môn học. Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 46 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản, các bộ sách này và 46 sách đều được các nhà trường lựa chọn đưa vào sử dụng. Trong đó, Sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều được cử tri và nhân dân góp ý kiến nhiều.
Thực tế qua kiểm tra, Bộ thấy nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 có những ngữ liệu chưa thật phù hợp. Bộ đã yêu cầu ngay Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu. Hiện nay, đang chỉnh sửa cho phù hợp với ngữ liệu và tâm lý lứa tuổi lớp 1. Còn các bộ sách khác cũng đang được triển khai. Cho đến nay, phần lớn các nhà trường đã được thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản, các bộ sách đều phải rà soát. Theo Điều 9 của Thông tư 33 về sách giáo khoa, kinh nghiệm các lần thay sách trước cũng như kinh nghiệm thế giới thì sách giáo khoa được hiệu đính và chỉnh sửa thường xuyên, phù hợp với thực tiễn chứ không phải ban hành xong là xong.
Bộ yêu cầu tất cả phải rà soát lại và căn cứ vào thực tiễn 1 năm thực hiện theo Nghị quyết 122 kỳ họp thứ 9 vừa rồi là sau 1 năm thì Bộ cho tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện sách giáo khoa.
“Chúng tôi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy để tiếp tục rà soát, tiến tới sách giáo khoa được hoàn thiện hơn”, ông Nhạ nói.
Một hay nhiều SGK thì chất lượng vẫn phải tốt
Phát biểu sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu về sách giáo khoa, trong đó có ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có nói rõ hơn về quy định một chương trình nhiều sách giáo khoa.
“Dù có một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Việc đó, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Và không thể nào Bộ GD&ĐT hoàn thành được nếu không có sự đóng góp đông đảo của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT cần phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí là trong quá trình thẩm định để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ để mọi người góp ý kiến. Qua đó, chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu. Những ý kiến nào chưa đúng thì mình có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận, vì tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu.
Liên quan đến việc sách giáo khoa chỉ là tài liệu, giáo viên có quyền thay thế những ngữ liệu không phù hợp trong sách giáo khoa, đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên) đã đặt câu hỏi: “Một đội ngũ có trình độ, có bề dạy và nghiên cứu khoa học, học hàm, được Nhà nước đào tạo bài bản mà biên soạn sách còn gặp nhiều thiếu sót và hội đồng thẩm định yêu cầu thay vẫn bảo vệ đến cùng, thì với trình độ, bằng cấp của giáo viên còn thấp hơn thì giáo viên nào tự tin nói rằng tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn so với các giáo sư, tiến sĩ”?
Bà Hiền kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan cần có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em phải đảm bảo rằng các quyền của trẻ thông qua giảng dạy văn hóa cần phải được bảo vệ và thực thi nghiêm túc. Xin đừng trút gánh nặng áp lực cho đội ngũ giáo viên, bởi chính họ cũng cần được bảo vệ trong sự cố này.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, cần tránh việc sử dụng học liệu thiếu tính nhất quán. Cần phải có phương án dạy cho trẻ lớp 1 thống nhất tại các nhà trường trên toàn quốc, thay thế trong thời gian này cần sử dụng các bài học tương đương trong sách giáo khoa cũ hoặc có thể tăng thời lượng trải nghiệm hay giáo dục vận động cho học sinh.