Mía chữa nôn mửa

(khoahocdoisong.vn) - Trời nóng uống 1 cốc nước mía vừa có tác dụng giải nhiệt, trừ khát, vừa bổ do mía có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng.

Mía có thành phần đường sacaroza 10%, protein 0,25%, chất béo 0,5%. Ngoài ra trong mía còn có nhiều nguyên tố vi lượng và các chất men. Theo tài liệu cổ, mía có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu đờm, hết khát, giải nhiệt và bổ dưỡng, có thể trị nóng trong, chữa háo nhiệt ho nhiều, ho khan và giải độc khi say rượu. 

Mía chữa nôn mửa: Mía ép 1 ly, nước gừng ép 1 thìa, cho 2 thứ này trộn với nhau đun sôi lên, uống ấm trong ngày, nên uống chậm từng ngụm một cho hết nôn, trị khó tiêu, bụng đầy ậm ạch, ăn vào nôn ra, bụng đầy, sôi ùng ục.

Chữa viêm đường hô hấp trên:  Mía 300g, rễ cỏ gianh tươi 40g, khoai lang 45g rửa sạch thái mỏng, tất cả cho vào sắc với 500ml nước, còn 300ml nước uống trong ngày, chữa ho khan, ho gió, ho có đờm, hắt hơi sổ mũi, nóng phổi, thở hụt hơi.

Chữa suy nhược cơ thể, hạ đường huyết: Khi đi nắng về hoặc lao động nặng, người mệt mỏi, uống 1 cốc nước mía sẽ làm cho người tỉnh táo, vì trong nước mía có nhiều vitamin nhóm B, C, carotene.

Trị cao huyết áp: Rễ cây mía 25g, vỏ chuối tiêu 50g, rau khúc 25g, tất cả cho vào nồi sắc lấy 1 lít nước uống trong ngày. Đây là bài thuốc nam cổ truyền dân tộc, được lưu truyền từ rất lâu và có hiệu quả tốt trong điều trị cao huyết áp.

Lưu ý: Nước mía ép để lâu có màu nâu do các men tạo nên và tác dụng của axit hữu cơ, do đó khi ép nước mía cần uống ngay, tránh để lâu làm nước chuyển màu.

BS Kim Lan (nguyên Viện Châm cứu T.Ư)

Theo Đời sống
back to top