Theo báo Telegraph, AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vắc xin COVID-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".
Người dân chớ nên hoang mang
Trước thông tin này nhiều người được tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca tỏ ra hoang mang lo lắng. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, sáng 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cũng đã được cảnh báo.
"Ban đầu khi triển khai tiêm vắc xin COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Sau đó, chúng ta cũng điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vắc xin không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ. Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã được triển khai rộng hơn"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca (Ảnh: Getty) |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, hầu hết mọi người đã tiêm vắc xin AstraZeneca COVID-19 đã được tổ chức vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng, do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Cùng với các vắc xin COVID-19 khác, vắc xin AstraZeneca đã được tiêm hàng triệu liều trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vắc xin COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vắc xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Số vắc xin này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2-4 liều vắc xin COVID-19, bao gồm vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna…
Đến giữa năm 2023, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc xin COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.
Đầu năm 2024, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, Việt Nam chỉ còn hơn 400.000 liều vắc xin COVID-19 của Pfizer hạn dùng đến tháng 9/2024.
Vắc xin COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vắc xin mũi nào.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cũng đề nghị người dân không nên quá hoang mang trước thông tin về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca.
Theo TS Thái, thực tế trong thời gian đầu vắc xin AstraZeneca được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỉ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện huyết khối (cục máu đông).
Do đó, Ủy ban Dược châu Âu đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, kết quả cho thấy sự chênh lệch về tỉ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê.
Ngoài ra, cộng đồng châu Âu có tỉ lệ huyết khối tự nhiên cao nếu so với các cộng đồng khác, đặc biệt là châu Á.
"Tại Việt Nam đã có hàng chục triệu liều vắc xin của AstraZeneca được tiêm chủng nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm. Đây là một tỉ lệ vô cùng thấp. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vắc xin có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm.
Bên cạnh đó, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi dùng vắc xin. Trong khi đó, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được tiêm chủng tại Việt Nam khá lâu và đến nay không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau tiêm. Do đó, người dân đã tiêm vắc xin không nên hoang mang, lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin", TS Thái khuyến cáo.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: REUTERS |
Không đáng lo như nhiều người lầm tưởng
Trước thông tin công ty dược phẩm AstraZeneca thừa nhận biến chứng gây ra cục máu đông khi tiêm vắc xin Covid-19, ông R Ganga Ketkar, nhà cựu khoa học của Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) - người có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế phòng chống dịch Covid-19 của Ấn Độ - cho biết, biến chứng gây ra cục máu đông khi tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca không đáng lo ngại như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Theo ông R Ganga Ketkar các triệu chứng của đông máu kèm Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) thường chỉ có thể xảy ra trong cơ thể từ 5 đến 30 ngày sau khi tiêm vắc xin. Nói cách khác, những người đã khỏe mạnh sau 1 tháng kể từ khi tiêm vắc xin hầu như đều có thể tránh được rủi ro này.
"Lợi ích của vắc xin lớn hơn rủi ro", ông Ketkar cho biết trong một phỏng vấn với tờ Economic Times. "Mọi người không nên lo lắng quá mức, vì số ca mắc rất hiếm và TTS chỉ phát triển trong vòng 5-30 ngày sau khi tiêm vắc xin ".
Chuyên gia này cũng cho biết thêm rằng, khi số liều vắc xin tăng lên, thì nguy cơ mắc TTS sẽ giảm xuống. "Không có lý do gì để lo lắng vào thời điểm này", Ketkar nói thêm.
Dẫu vậy, ông đồng tình với quan điểm rằng các hãng phát triển vắc xin cần nghiêm túc tiếp tục giám sát tính an toàn của vắc xin sau khi đưa chúng ra thị trường.
"Một điều mà mọi người nên nhớ là dù thuốc hay vắc xin cũng có tỷ lệ nhỏ xảy ra phản ứng phụ, nhưng hãy nhìn vào lợi ích chống dịch của chúng", Ketkar nói.
Ông cho rằng những thông điệp "phản khoa học" không cần thiết chỉ có thể gây thêm sự hoảng loạn trong xã hội, và điều đó cần phải chấm dứt.
"Nếu mọi người trở nên lo lắng, họ có xu hướng tìm kiếm trên Google, và bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực. Điều này có thể khiến việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ bị ảnh hưởng".
Một chuyên gia cấp cao trong nhóm phòng chống dịch Covid-19 cũng cho biết rằng ở Ấn Độ, Covishield (loại vắc xin sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ từ công nghệ của AstraZeneca) vẫn được sử dụng để tiêm chủng cho 90% dân số Ấn Độ, và đã có hiệu quả tốt.
Trong một tuyên bố trước đó, AstraZeneca cũng cho rằng từ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu thực tế, vắc xin Covid-19 của họ đã liên tục được chứng minh có một hồ sơ an toàn chấp nhận được.
Các nghiên cứu độc lập cho thấy, vắc xin AstraZeneca rất hiệu quả trong việc chống lại đại dịch, cứu sống hơn 6 triệu người trên toàn thế giới trong năm đầu tiên của việc triển khai.
Một số cơ quan quản lý trên thế giới cũng khẳng định rằng, lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội hơn so với các rủi ro của các tác dụng phụ vốn rất hiếm khi xảy ra.