Nêu thực tế trong khi thế giới thành công làm chủ công nghệ vắc xin phòng COVID-19, sản xuất số lượng lớn, với giá rẻ thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo, thử nghiệm… gây lãng phí lớn.
Vì vậy, ông Nguyễn Anh Trí đề nghị giai đoạn hiện nay ngừng sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 trong nước, chỉ mua vắc xin có chất lượng, với số lượng hợp lý để sử dụng.
Qua đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị cần rút bài học kinh nghiệm sâu sắc trong sản xuất vắc xin và chuyển Quỹ vắc xin COVID-19 để dự phòng sản xuất vắc xin cho các dịch bệnh mới phát sinh.
Đề xuất ngừng sản xuất vắc xin COVID-19 ở Việt Nam. |
Trước đó, tại báo cáo của Bộ Y tế gửi đoàn giám sát của Quốc hội ngày 3/4, ba loại vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tại Việt Nam là vắc xin ARCT-154, vắc xin COVIVAC và vắc xin Nanocovax.
Bộ Y tế thông tin 3 loại vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu là vắc xin ARCT-154; vắc xin COVIVAC; vắc xin Nanocovax. Trong đó, có vắc xin COVIVAC sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 Việt Nam để hỗ trợ thử nghiệm.
Vắc xin ARCT-154: do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Arcturus Therapeutics.Ltd. (Mỹ), đến nay các hoạt động xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng... đều từ nguồn kinh phí của công ty, không sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3a, 3b và chấp thuận bằng giấy chứng nhận ngày 12/5/2022.
Hồ sơ báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 đã được gửi tới Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để phục vụ việc xem xét, cấp phép lưu hành vắc xin ARCT-154 theo quy định.
Các tổ chức nhận thử và nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo đề cương nghiên cứu đến tháng 2/2023.
Vắc xin Nanocovax: do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu sản xuất; kinh phí nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng từ nguồn kinh phí của công ty, không sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã nghiệm thu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1; đã đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, 3.
Các tổ chức nhận thử, nhóm nghiên cứu và nhà tài trợ đang hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn 3 theo kết luận của hội đồng. Các tổ chức nhận thử và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo đề cương nghiên cứu đến tháng 2/2023.
Vắc xin COVIVAC: do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, kinh phí thí nghiệm lâm sàng có sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam. Cụ thể, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã sử dụng hơn 4,6 tỉ đồng trong tổng số 8,8 tỉ đồng được phân bổ, đã hoàn trả quỹ hơn 4,1 tỉ đồng.
Vắc xin COVIVAC đã đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 (ngày 16/12/2021), tổ chức nhận thử, nhóm nghiên cứu và nhà tài trợ đang hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu đến tháng 12/2022.
Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới xuất hiện. Vì vậy Việt Nam vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và ưu tiên hiện nay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:
(Nguồn: VTV4)