Tiêm văcxin để phòng viêm gan B
Tỷ lệ người có kháng nguyên viêm gan B ở nước ta khoảng 11% và tỷ lệ người mang virus viêm gan B mạn tính là 5%. Điều tra những người cho máu thấy người mang virus viêm gan B là 25%. Thực tế, nhiều người không biết mình mang virus đến khi bệnh ở giai đoạn nặng thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan mới phát hiện được thì đã muộn.
Biểu hiện của bệnh rất dễ nhầm với bệnh khác. Lúc đầu người bệnh sốt nhẹ, nhiệt độ dao động trên 38OC (ít khi sốt cao), kém ăn, mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, gan to hơn bình thương. Ngoài ra, người bệnh có thể nôn hoặc buồn nôn, đại tiện lỏng hoặc táo bón, đau bụng. Sau đó bệnh tiến triển bắt đầu xuất hiện vàng da biểu hiện rõ nhất ở niêm mạc mắt (phần lòng trắng mắt) từ mức nhẹ đến vàng đậm, kéo dài hàng tuần.
Trường hợp nặng, vàng da tăng lên và kéo dài. Gan sưng to dần và đau. Trong những trường hợp diễn biến tốt, sau 3 – 4 tuần là bệnh giảm, vàng da đỡ dần, gan nhỏ lại hết đau, người bệnh khỏe dần. Bệnh dễ dẫn đến việm gan mạn tính, xơ gan, hoặc ung thư gan đối với những người bệnh nhiều tuổi (trên dưới 50) và những người bị virus từ lúc mới sinh. Đặc biệt, đây là bệnh dễ lây, do đó người bệnh cần được cách ly, điều trị và nghỉ ngơi trong 4 tuần.
Hiện tại, y học chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu vẫn là chữa triệu chứng, kết hợp với nghỉ ngơi và chế độ ăn uống (giảm mỡ, tăng đường đạm và các chất vitamin…). Phòng bệnh: hạn chế tiêm chích nếu không cần thiết, tốt nhất là dùng loại bơm tiêm, kim tiêm đã tiệt khuẩn sẵn, chỉ dùng 1 lần rồi bỏ. Thận trọng trong truyền máu và cần tiêm phòng viêm gan B, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
BS Tuấn Anh