Cây vọng cách được dùng làm rau ăn và thuốc chữa bệnh
Vọng cách còn gọi là bọng cách, cách. Tên khoa học Premma integrifolia L.(Gumira littorea Rumph). Thuộc họ Cỏ roi ngựa Rerbeaceae.
Vọng cách là cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta, cũng được trồng làm cảnh và làm thuốc trong vườn nhà. Đây là loại cây gỗ nhỏ (tiểu mộc), cao 2-7m, có nhiều cành, đôi khi mọc dựa vào cây khác như cây leo.
Cành non hình 4 cạnh, phủ lông mịn, đôi khi có gai, nhất là ở các mấu, về sau nhẵn, màu nâu đỏ, có rãnh và lỗ bì. Lá mỏng, hình dáng thay đổi, khi thì hình trứng khi thì hình trái xoan, đầu lá tù hay hơi nhọn, phía cuống hơi tròn; mép lá nguyên hoặc hơi khía tai bèo ở phía đầu, các gân ở mặt dưới nhẵn, hay có lông mịn.
Hoa mọc thành ngù ở đầu cành, với nhiều bông nhỏ, màu trắng hoặc xanh lục nhạt, có lông mịn; lá bắc có hình lá, rất bé. Quả hình trứng, màu đen nhạt, to bằng hạt đậu, xù xì, ở đầu hơi hõm, trong có 4 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt. Toàn thân cây có mùi thơm dễ chịu, lá cũng có mùi thơm hơi hắc, rễ có vị hăng đắng, mùi thơm.
Theo y học cổ truyền, vọng cách vị chát, tính bình, có công dụng thông tiểu, thoái hoàng, kích thích tiêu hóa…được dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa bệnh gan từ rất lâu đời trong dân gian.
Trong thành phần có chứa tinh dầu và các alcaloid như premnin, garianin có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau trên mô hình thực nghiệm với chuột. Cao lỏng lá vọng cách làm giảm men gan và các biểu hiện tổn thương gan. Khi bị bệnh gan có thể dùng lá vọng cách để hỗ trợ trị liệu như:
- Lá vọng cách tươi 50g sắc uống.
- Lá vọng cách khô 10g, cây cà gai leo 20g, sắc uống.
- Lá vọng cách khô 15g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, sắc uống.
- Lá vọng cách tươi 40g, nhân trần 15g, diệp hạ châu 20, cam thảo đất 12g, sắc uống.
- Lá vọng cách khô 15g, nhân trần 12g, thần khúc 12g, mạch nha 12g, actiso 12g, rơm nếp 12g, nghệ vàng 12g, cam thảo 6g, sắc uống.
ThS Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện TƯQĐ 108)