Mẹ đa ối cẩn thận con teo ruột non     

(khoahocdoisong.vn) - Teo ruột non sơ sinh có thể phát hiện giai đoạn trước sinh nhưng cần được xử trí kịp thời ngay sau sinh mới có thể tránh tử vong.

 2 lần mổ cứu trẻ sinh non teo ruột bẩm sinh

Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã phẫu thuật thành công trẻ sơ sinh non tháng (32 tuần), cân nặng 1600g, bị teo ruột non bẩm sinh (TRNBS), suy hô hấp. Theo đó, trẻ đến viện trong tình trạng thở yếu, bụng trướng căng, chưa bài tiết phân su...

Đánh giá tình trạng trẻ rất nặng, Bệnh viện đã có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, trẻ non tháng, cân nặng thấp, chức năng hô hấp tuần hoàn chưa hoàn chỉnh…nên gây mê rất khó khăn. Các bác sĩ khoa Ngoại nhi tổng hợp, khoa Sơ sinh và Khoa Gây mê hồi sức đã hội chẩn và lên kế hoạch gây mê tỷ mỷ. Trẻ được gây mê nội khí quản, đặt ống thông dạ dày giảm trướng bụng, trong suốt quá trình khởi mê, phẫu thuật trẻ được theo dõi sát: mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SPO2, eTCO2…Kết hợp bù nước điện giải, truyền dịch nuôi dưỡng.

Khi mở ổ bụng có tình trạng tắc đoạn ruột non. Phẫu thuật viên đã tiến hành sinh thiết, lấy phân xu và dẫn lưu ruột non qua da làm hậu môn nhân tạo. Sau phẫu thuật lần đầu 3 ngày, bụng trẻ còn trướng nhiều, dẫn lưu ruột không cho chất tiết. Mẫu sinh thiết cho kết quả vô hạch thần kinh ruột đoạn hồi tràng và đại tràng. Trẻ được phẫu thuật lại tiến hành dẫn lưu hỗng tràng ra da. Sau điều trị, trẻ tỉnh, tự thở, tự bú sữa mẹ, kết quả phẫu thuật tốt.

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, đây là trường hợp trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân nhất được gây mê và phẫu thuật thành công tại Trung tâm Sản Nhi – BVĐK Tỉnh Phú Thọ. TRNBS hay sự bít tắc hoàn toàn lòng ruột non, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh.  Cùng với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, tỷ lệ sống của bệnh đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn cao.

Thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật

Thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật

Siêu âm trước sinh để chẩn đoán sớm

Theo PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, TRNBS bao gồm teo tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng, trong đó thường gặp là teo hỗng hồi tràng. Teo ruột non có tỉ lệ 1/1500 trẻ sinh sống. Trẻ bị teo ruột nếu không can thiệp trẻ sẽ không bú được và tử vong.

Các chuyên gia cho biết, siêu âm trước sinh có thể phát hiện được bệnh - trên siêu âm có hình ảnh bất thường ống tiêu hóa. Hoặc trong khi mang thai, mẹ có thể được phát hiện đa ối trên siêu âm (khoảng 1/5 trường hợp đa ối con bị TRNBS). Nhiều bé bị teo ruột cao có thể có hình ảnh dạ dày và tá tràng dãn to.

Sau khi sinh ra, trẻ biểu hiện bệnh: Tắc ruột (nôn sớm sau bú, nôn dịch xanh hay vàng (màu mật);  Trướng bụng; Không đi phân su; Vàng da, da khô do mất nước…

Bệnh sinh của teo ruột non có nhiều giả thiết nhưng giả thiết được chấp nhận nhiều nhất là do tai biến mạch máu mạc treo trong giai đoạn bào thai. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào hồi sức trước mổ, chiều dài đoạn ruột còn lại sau mổ, tuổi thai, cân nặng, dị tật phối hợp, loại dị dạng.

Khi bị bệnh, trẻ sinh ra sẽ được đặt ống thông dạ dày giải áp, cho nhịn và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch kèm với bồi hoàn nước và điện giải....Khi ổn định trẻ nên được phẫu thuật sớm. Mục đích của phẫu thuật là tái lập lưu thông ruột bằng cách khâu nối ruột kèm với loại bỏ đoạn ruột mất chức năng. Phẫu thuật nối lại ruột) là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ngoại nhi vì nguy cơ biến chứng (rò miệng nối, hẹp miệng nối, hội chứng ruột ngắn) rất cao.

Các bệnh nhi teo ruột mà phải làm 1-2 miệng nối thì tỷ lệ sống khoảng 80-90% (phụ thuộc vào cả các dị tật kèm theo và chiều dài của ruột còn lại). Ở những trẻ bị teo ruột nhiều đoạn phải thực hiện nhiều miệng nối thì phẫu thuật càng khó khăn và tiên lượng càng nặng.

Các bệnh nhi sau mổ teo ruột non, đặc biệt các trường hợp đoạn ruột còn lại ngắn, phải được theo dõi mỗi tháng trong 6 tháng, sau đó mỗi 3 - 6 tháng, ít nhất trong 1 năm. Các dấu hiệu cần theo dõi: nôn ói, hội chứng kém hấp thu, cân nặng, phát triển thể chất...

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top