Mách mẹ 5 loại nước tắm trị rôm sảy cho trẻ trong mùa hè

Thời tiết nắng nóng, cơ hội để các virus gây bệnh ngoài da phát triển, đặc biệt là rôm sảy ở trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cần "bỏ túi" những phương pháp trị rôm sảy đơn giản để giúp bé luôn khoẻ mạnh, loại bỏ hết rôm sảy.

Rôm sảy là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè. Nguyên nhân là bởi thời tiết nóng nực khiến trẻ tiết nhiều mồ hôi nhưng lại không thoát ra hết, ứ đọng trong ống tuyến bã. Chất nhờn bít kín khiến da nổi nhiều nốt đỏ, lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám hoặc có khi dày đặc. Nếu trẻ gãi nhiều thì vùng da tổn thương sẽ bị ửng đỏ.

Để phòng nguy cơ bị rôm sảy cho con, bố mẹ cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và giữ vệ sinh da cho trẻ. Không nên cho con ăn những loại thức ăn cay, nóng như ớt, tỏi, hạt tiêu... Hạn chế ăn đường, đồ nếp, các loại hoa quả tính nóng như xoài, nhãn, vải, mít... Tăng cường các loại đồ ăn có tính mát.

Mách mẹ 5 loại nước tắm trị rôm sảy cho trẻ trong mùa hè. Ảnh minh họa

Mách mẹ 5 loại nước tắm trị rôm sảy cho trẻ trong mùa hè. Ảnh minh họa

Khi trẻ không may bị rôm sảy, bố mẹ có thể dùng các loại nước lá để tắm cho con. Phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả khá nhanh và an toàn nếu như bố mẹ áp dụng đúng cách.

Nước lá kinh giới trị rôm sảy

Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay, tính ấm, có chứa 1% tinh dầu. Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng sát khuẩn, làm sạch da.

Cách làm: Chuẩn bị lá kinh giới tươi, rửa sạch, giã nát, chắt nước pha vào chậu tắm cho bé. Hoặc dùng 1 nắm lá khô cho vào nồi đun sôi một lúc rồi pha nước tắm cho trẻ.

Chanh tươi

Chỉ sử dụng chanh để tắm khi trên cơ thể trẻ không bị trầy xước, không có vết thương mụn mủ trên người. Mỗi tuần chỉ nên tắm 2-3 lần bằng chanh tươi.

Cách làm: Đun nước nóng, pha ra chậu sao cho nhiệt độ ấm vừa phải với trẻ. Sau đó vắt chanh tươi vào chậu khuấy đều rồi tắm cho trẻ.

Nếu tắm khoảng 20 lít nước, chỉ nên dùng nửa quả chanh, dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau toàn thân trẻ. Sau khi tắm bằng chanh cần phải tắm một lần nữa bằng nước ấm sạch, hạn chế lắng đọng acid trên bề mặt da.

Lá diếp cá

Lá diếp cá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy, mẩn ngứa và có tính kháng khuẩn, kháng viêm cao.

Cách làm: Chọn loại lá diếp cá tươi tự nhiên, phiến lá mỏng. Sau đó vệ sinh lá thật kỹ bằng nước muối, rửa lại bằng nước sạch. Vò lấy nước, bỏ bã pha với nước ấm tắm cho bé, mỗi tuần tắm 2-3 lần.

Sau khi tắm bằng nước lá diếp cá, lau lại người bằng nước ấm, lau khô bằng khăn sạch để gạt bỏ bụi lá còn sót lại trên người.

Lá tía tô

Lá tía tô có mùi thơm, vị cay nhẹ, tính ấm, tác dụng sát trùng, giải độc, kích thích ra mồ hôi nên thường được dùng để chữa ho, sốt cao, ngứa da, viêm da cơ địa, rôm sảy, mề đay mẩn ngứa. Lá tía tô cũng là một loại lá có tác dụng giải nhiệt, làm mát rất tốt.

Cách nấu nước tắm bằng lá tía tô cũng rất đơn giản. Cần chuẩn bị một nắm lá tía tô đem rửa thật sạch với muối cho hết bụi bẩn và lông tơ trên lá để tránh gây kích ứng cho làn da mỏng manh và nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Sau đó, cho toàn bộ phần lá trên vào máy xay sinh tố để xay nát, dùng rây lọc ra nước cốt để nấu nước tắm cho trẻ. Nếu không xay, mẹ có thể để nguyên lá nấu nước tắm, sau đó vớt sạch phần lá đi là được.

Mướp đắng trị rôm sảy

Mướp đắng vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp da trẻ mịn màng hơn.

Cách làm: Mỗi lần tắm dùng 2 quả mướp đắng rửa sạch, xay hoặc giã nát, lọc lấy nước tắm cho bé.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top