Mặc dù các loại thảo mộc đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở một mức độ nào đó, nhưng khi kết hợp hoặc uống quá nhiều lại có thể gây nguy hiểm.
Ảnh minh họa.
TTƯT Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư cho biết, với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay thì rất đông đảo người tiêu dùng tự mua thảo dược về uống chữa bệnh, giảm béo với liều lượng vô tội vạ, không tuân theo hướng dẫn của những thầy thuốc uy tín.
Vì vậy, hiện tượng nổi mụn, ngộ độc, tăng men gan, suy gan, thậm chí có nguy cơ sẩy thai… do uống trà thảo dược không đúng liều lượng khá phổ biến.
Một trong những nguyên nhân là nhiều loại dược liệu, thảo mộc khô bán tại nhiều cửa hàng thuốc không rõ xuất xứ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
BS Nguyễn Thị Lệ Quyên, Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang cho biết thêm, hầu hết các cây cỏ thảo mộc đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau như nước hoa cúc làm hạ huyết áp; nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu; nước râu ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu; nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo vệ tế bào gan; nước nụ vối kích thích tiêu hóa…
Tuy nhiên, khi sử dụng các loại nước giải khát, thanh nhiệt dù là thảo mộc cũng có những tác dụng phụ nếu không biết sức dụng hoặc lạm dụng quá mức.
Nước ta thời tiết nóng ẩm, các loại trà thảo mộc đun uống cả ngày rất dễ ôi thiu, cần phải cho tủ lạnh bảo quản hoặc hãm uống ít một.
Những người già, trẻ em cần uống liều lượng ít, vừa phải, nhất là những trường hợp tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng.
Một số vị thảo mộc có tính hàn hoặc kỵ nhau không nên kết hợp với nhau như cam thảo, rau má…
Khi chọn mua thảo mộc ở dạng khô thì phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi mà dễ bị ngộ độc nấm mốc.
Tốt nhất là nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.
Hồng Linh