Lòng yêu nước không xuất phát từ mệnh lệnh

Theo GS.NGND Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, không khí rạo rực khắp nơi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá U23 những ngày qua thể hiện rõ ràng lòng yêu nước, khí thế tự hào dân tộc. Tình yêu ấy, lòng tự hào ấy, không mệnh lệnh nào có thể điều khiển được.

GS.NGND Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Lòng yêu nước trong tiềm thức

Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lần đầu tiên đạt được những thành tích xuất sắc tại giải bóng đá U23 Châu Á. Cảm giác nghẹn ngào, xúc động, tự hào… của hàng triệu người Việt Nam những ngày qua thực sự là một sự kiện vui. Đâu đâu cũng nói chuyện bóng đá, đến nỗi người ta quên hết cả bức xúc, mỏi mệt chỉ để cùng nhau nói về bóng đá. Ông nghĩ sao về lòng yêu nước và tình yêu bóng đá trong những ngày này?

Một điều ai cũng thấy rõ là lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước bùng cháy đang thể hiện khắp muôn nẻo đường, ngõ xóm. Nhà nhà, người người cổ vũ cho đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Dù họ chẳng được gì khi bỏ ăn, bỏ việc, bỏ làm để cổ vũ.

Dù có thể phải chịu đói, chịu mệt, chịu thiệt khi đóng cửa hàng để xem bóng đá, nhưng từ chị lao công, bác xe ôm đến anh công chức, chị nhân viên… đều hò hét cổ vũ. Nó cho thấy lòng yêu nước, ý thức dân tộc luôn ngủ sâu trong tâm thức mỗi người, chỉ cần có thời cơ là thể hiện thành phong trào.

Cá nhân ông thì thấy gì từ không khí náo nhiệt ấy?

Dù còn những trăn trở nhưng rõ ràng dân mình ai cũng yêu nước. Chỉ có điều nó được biểu hiện như thế nào, trong hoàn cảnh nào mà thôi. Xưa, các vị vua quan anh minh biết tạo ra những cú hích để quần chúng thể hiện tình yêu nước. Thì giờ, các vị lãnh đạo cũng phải biết lấy bài học để phát huy sức mạnh dân tộc.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi kịp thời đội bóng là một việc làm rất có ý nghĩa, động viên tinh thần và thắp lửa tình yêu, lòng tự hào dân tộc.

Theo ông thì các cán bộ phải nhìn ra điều gì?

Đó là làm sao để tập hợp, phát huy sức mạnh của quần chúng, khơi dậy tình yêu vốn luôn nằm sâu trong tiềm thức ấy. Đây là tình yêu, là tinh thần của quần chúng chứ không phải của một lãnh đạo nào. Các mệnh lệnh từ trên xuống không thể làm được điều đó. Nếu người lãnh đạo khéo léo, biết khơi dậy tình yêu ấy thì nó sẽ trở thành phong trào có sức mạnh.

Lâu nay chúng ta vẫn than thở giới trẻ vô cảm, người Việt sống ích kỷ, phải chăng không đúng?

Ít có dân tộc nào mà có những truyền thống trở thành đạo lý, như là “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn”, “chị ngã em nâng”… Truyền thống đó có trong máu thịt của người Việt Nam. Chỗ yếu của truyền thông hiện nay là ít truyền tải những điển hình như vậy, vì thế mà người ta có những suy nghĩ lệch lạc, cái nhìn phiến diện, không quan tâm. Ca dao, hò vè, văn học cổ nói rất nhiều về những giá trị này, nhưng bây giờ dường như chúng ta bỏ quên mất mảng tuyên truyền này.

Và có người nói, hàng trăm bài giảng lịch sử về lòng yêu nước không bằng một trận bóng đá?

Điều này cũng có lý của nó. Bởi tình yêu nó không tuân theo mệnh lệnh. Nó là thứ tự phát từ trong lòng, không ai ép buộc được.

Khốn khó tạo ra sự bền chặt

Người dân nước nào cũng yêu nước mình, vậy thì tình yêu nước của người dân Việt Nam liệu có gì khác?

Chúng ta có các khác biệt. Đó là đất nước trải qua chiến tranh liên miên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, con người buộc phải gắn kết với nhau để sinh tồn. Từ đó hình thành nên lòng yêu nước, sự gắn kết nhiều đời mà dường như nó có sẵn trong gen của mỗi người con đất Việt.

Bất cứ khi nào có điều kiện, tình yêu ấy lại được thổi bùng lên. Khốn khó tạo ra sự bền chặt, đem con người lại gần nhau hơn. Kinh tế thị trường làm cho một số đặc điểm tạm thời bị ẩn đi, nhưng nó lại bùng lên khi có dịp.

Mỗi khi có sự kiện như thế này, tôi lại cảm giác như chúng ta không có người xấu, khi tất cả cùng chung một tình yêu?

Lòng tốt không hiếm, con người không quay lưng lại với nhau, vấn đề là làm thế nào để cái xấu không lấn át cái tốt, làm thế nào để nhân rộng những câu chuyện tương tự như thế trong xã hội hiện nay.

Lòng tốt hiện đang ẩn nấp, nó chưa bao giờ mất đi bởi nói gì thì nói, truyền thống cha ông ta vẫn còn giữ được trong một bộ phận không nhỏ. Người ta tự hỏi sao xã hội lại xuống cấp đến thế, mà không ai để  ý rằng lòng tốt vẫn cứ đang sống tiềm tàng, mãnh liệt.

Làm sao để giáo dục trẻ có lòng yêu nước hơn cả thế hệ trước?

Trẻ em được giáo dục tư duy khoa học, dễ rũ bỏ những yếu tố như bảo thủ, chậm tiến để tiếp thu cái mới nên cuộc sống của chúng sẽ ngày càng phát triển hơn thế hệ trước. Còn ở phương Tây, quá khứ và hiện tại rạch ròi, không giống như người phương Đông, hiện tại luôn có hình bóng cha ông.

Người phương Tây lo lắng thế hệ sau không phát triển bằng mình vì chủ nghĩa cá nhân cực đoan phát triển, nếu không có truyền thống mà phát triển dựa vào vật chất thì không ổn định được.

Nghĩa là muốn trưởng thành, vẫn phải làm giàu tri thức, hơn là dựa vào vật chất?

Các dân tộc châu Á thường học giỏi hơn người châu Âu vì họ có động lực học để thay đổi cuộc sống, học để vươn lên lập nghiệp. Thế nhưng vì tư duy cảm tính thay vì lý tính nên nhìn chung trong cách giải quyết vấn đề không được mạch lạc, logic bằng người châu Âu.

Hãy đánh thức tình yêu khi có thể

Nói nhiều về lòng yêu nước, nhưng ở góc nhìn khác, chúng ta không thể phủ nhận việc có những thứ đang bị mai một?

Người Việt ta cơ bản vẫn giữ được lòng yêu nước, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nét nổi bật nhất, theo tôi, đó chính là lòng nhân nghĩa vẫn được phần lớn dân ta trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Khi nơi nào đó gặp hoạn nạn, thiên tai, lũ lụt, đồng bào ta luôn biết nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, bất hạnh. Nhiều phong trào từ thiện, nhiều việc làm nhân ái xuất hiện ngày càng nhiều chứng tỏ người dân Việt Nam không mất đi truyền thống tương thân tương ái trong xã hội hiện đại.

Nhưng hạn chế là gì thưa ông?

Hạn chế lớn nhất, theo tôi đó chính là ý thức tập thể, tinh thần bảo vệ của công của nhiều người dân chưa tốt, thậm chí có nơi, có người rất kém. Tình trạng lãng phí của công vô tội vạ rất đáng báo động. Không ít người vẫn mang nặng tư tưởng “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn”.

Sống chỉ biết vun vén cho cá nhân mình như thế, ích kỷ lắm! Rồi việc chuộng hình thức, phô trương hào nhoáng bên ngoài khiến nhiều người có những hành vi lai căng, sùng ngoại. Xét ở góc độ văn hóa, đấy là biểu hiện tâm lý tự ti, nhược tiểu.

Chúng ta phải làm gì?

Chủ nghĩa cá nhân sinh ra bao thứ tệ hại, phiền toái cho xã hội, làm băng hoại đạo đức văn hóa truyền thống, làm mọt ruỗng nhân cách con người, làm xấu hình ảnh quốc gia dân tộc. Do đó, hãy đánh thức tình yêu khi có thể. Hãy tạo ra nhiều phong trào, khơi dậy được những tố chất tiềm ẩn trong con người, hơn là chạy theo các giá trị vật chất.

Xin cảm ơn ông!

Lòng yêu nước, nhân ái, tinh thần dân tộc có ở trong tất cả mỗi con người. Nếu người lãnh đạo có tài năng, sẽ đánh thức được những phẩm chất ấy.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top